Bài thuốc bổ huyết từ đương quy

Đương quy còn gọi xuyên quy, tần quy… Tên khoa học: Angelica sinensis (Oliv.) Diels. Bộ phận dùng làm thuốc là rễ. Thành phần hóa học: trong rễ có tinh dầu, coumarin, acid amin, vitamin, nguyên tố vi lượng và một số chất khác. Theo Đông y, đương quy vị ngọt cay, tính ôn; vào tâm, can và tỳ. Có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh chỉ thống, nhuận tràng thông tiện, người cao tuổi và phụ nữ sau sinh bị táo bón. Liều dùng: 10 – 20g. Sắc, nấu, hầm, dầm, ướp, ngâm rượu…

Đương quy được dùng làm thuốc trong các trường hợp:

1. Bổ huyết điều kinh

Bài 1: Thang tứ vật: thục địa 20g, đương quy 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 6g. Sắc uống. Dùng trong trường hợp kinh nguyệt không đều, thấy kinh đau bụng, huyết hư kinh bế.
Bài 2: đương quy 12 – 16g, thục địa 12g, long nhãn 9g, đại táo 30g. Sắc uống. Dùng cho trường hợp đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mỏi mệt, da xanh tái, hồi hộp mất ngủ, phụ nữ kinh nguyệt không đều.

Cây đương quy

Cây đương quy

2. Tán ứ giảm đau

Bài 1: Hoạt lạc hiệu linh đan: đan sâm 20g, đương quy 12g, nhũ hương 6g, một dược 6g. Sắc uống. Trị các chứng bệnh tim, bụng đau do huyết ứ khí trệ.
Bài 2: Thang phục nguyên hoạt huyết: sài hồ 20g, thiên hoa phấn 12g, đương quy 12g, hồng hoa 8g, xuyên sơn giáp 8g, cam thảo 4g, đại hoàng 12g, đào nhân 12g. Sắc uống. Trị các chứng té ngã sưng đau, ứ huyết, đau buốt hai bên sườn.

3. Nhuận táo thông tiện: Dùng trong trường hợp thiếu máu làm đại tràng không mềm ướt nên đại tiện táo.

Đương quy (sao với dầu vừng): 1 lạng, sắc uống.
Hoặc hoàn đương quy: quy vĩ 20g, đại hoàng 20g, đào nhân 63g, ma nhân 63g, khương hoạt 20g. Nghiền thành bột mịn, luyện với mật làm hoàn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g, chiêu với nước.

TS. Nguyễn Đức