Bào Chế Bột Bình Vị

Công thức Bào Chế Bột Bình Vị

Thương truật (Rhizoma Atractyloidis) 80 g
Hậu phác (Cortex Magnolia officinalis) 50 g
Trần bì (Pericarpium Citri reticulatae) 50 g
Cam thảo (Radix Glycyrrhizae) 30 g

Cây Thương Truật

Cây Thương Truật

Bào Chế Bột Bình Vị

Thương truật, rửa sạch, phơi khô, thái mỏng. Sao với cám gạo, tới mầu vàng đậm, mùi thơm đặc trưng.
Hậu phác, có thể dùng hậu phác nam, là vỏ thân quế rừng (Cortex Cinnamomi inersis), hoặc vỏ vối rừng (Cotex Syzygii cumini), chích gừng.
Trần bì, bỏ màng trắng, thái chỉ, vi sao, hoặc sao vàng.
Cân đủ số lượng các vị thuốc trong phương, tán thành bột mịn, rây và trộn kỹ, sấy khô, đến độ ẩm quy định. Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu ghi trong chuyên luận “Thuốc bột dùng để uống”(Phụ lục 1.7).

Tính chất

Bột có mầu vàng nhạt, vị đắng, hơi ngọt, mùi thơm nhẹ.

Định tính

A. Soi bột: tiến hành trên kính hiển vi, với thị kính số 5, vật kính 40, chế phẩm phải có các sợi, chứa tinh thể calci oxalat của cam thảo, và các tinh thể calci oxalat hình khối vuông hoặc hình quả trám của trần bì, tinh thể calci oxalat hình kim của thương truật (song song, soi đối chiếu với bột cam thảo bột trần bì và bột thương truật chuẩn)
B. Lấy khoảng 10 g chế phẩm, nghiền thành bột, cho vào bình nón, có nút mài. Thêm 50 ml ethanol 70% (TT) , quấy đều; để trên cách thuỷ sôi 15 phút. Lọc lấy dịch chiết cồn. Thu hồi ethanol. Hoà cắn với 10 ml nước cất nóng. Lọc. Lấy dịch lọc. Lắc với ethylacetat (5 ml x 3 lần). Gộp dịch ethylacetat. Bay hơi, còn khoảng 3 ml dùng làm các phản ứng sau:
Lấy 3 ống nghiệm nhỏ, cho vào mỗi ống cho 1 ml dịch chiết trên.
Ống 1, cho một ít bột magnesi (TT), thêm từ từ vài giọt acid hydrocloric (TT), dung dịch xuất hiện màu đỏ cam.
Ống 2, cho vài giọt dung dịch natri hydroxyd 10% (TT), xuất hiện màu vàng cam.
Ống 3, cho vài giọt dung dịch sắt (III) clorid 5% (TT), xuất hiện màu xanh đen.
D. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel 60 GF254 tráng sẵn, kích thước 4 x 10 cm.
Dung môi khai triển: Hỗn hợp dung môi gồm toluen : ethylacetat : acid formic (5 : 4 : 1).
Dung dịch thử: Lấy dịch chiết thu được theo cách mô tả ở phần định lượng.
Cách tiến hành: Chấm lên bản mỏng 20 µl dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí ở nhiệt độ phòng, hiện màu bằng hơi amoniac đến khi các vết hiện rõ. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải cho các vết flavonoid có màu vàng nâu và cùng Rf
so với các vết flavonoid của mẫu đối chiếu Trần bì, Cam thảo, Thương truật.

Độ ẩm

Không quá 9% (Phụ lục 9.6).

Độ mịn

Lấy 20 chế phẩm, rây qua rây số 335 (Phụ lục 3.5), phần còn lại không quá 5%.

Độ đồng nhất

Lấy 20 g chế phẩm, cho vào tờ giấy trắng đặt trong khay men, dùng một thìa nhẵn ấn nhẹ trên mặt lớp bột, thành một vệt lõm. Quan sát vị trí vệt, mầu của chế phẩm phải đồng nhất, không được có mầu lốm đốm.

Định lượng

Cân chính xác khoảng 10 g bột chế phẩm, chiết bằng ether dầu hoả (TT) để loại tạp chất, dùng dụng cụ Soxhlet. Bay hơi hết ether. Tiếp tục chiết flavonoid bằng ethanol 70% (TT) trong dụng cụ soxhlet, đến khi hết flavonoid. Cất thu hồi cồn dưới áp suất giảm. Hoà tan cắn trong 5 ml nước cất nóng. Lọc. Dịch lọc thu được chiết với ethylacetat (TT) (5 ml x 5 lần). Gộp dịch ethylacetat, cất thu hồi dung môi. Cắn thu được, sấy đến khối lượng không đổi ở nhiệt độ dưới 80 0C.
Hàm lượng flavonoid toàn phần không thấp hơn 1 %.

Độ nhiễm khuẩn

Đạt yêu cầu ghi trong Phụ lục 13.6.

Bảo quản.

Đóng trong bao bì kín, để nơi khô ráo thoáng mát.

Công năng, chủ trị

Kiện tỳ táo thấp, hành khí hoà vị. Chủ trị: Các trường hợp bụng đầy trướng, căng tức, nôn mửa, tiêu chảy.

Cách dùng, liều dùng

Ngày dùng 12 – 16 g, chia 2 – 3 lần, uống với nước sắc 2 lát gừng 2 quả táo tầu.