Lo gà Trung Quốc nhập lậu

Hiện dịch cúm A/H5N1 đang có xu hướng lan rộng trên đàn gia cầm. Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đến ngày 18-2 có 14 tỉnh có dịch gồm: Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Gà Trung Quốc nhập lậu được bày bán công khai ở chợ Giếng Vuông (TP Lạng Sơn) – Ảnh: Quang Thế

Tại cuộc họp trực tuyến phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 18-2 với các địa phương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định dịch cúm gia cầm chưa lên đến đỉnh, đang lan rộng, bùng nổ và nguy cơ xâm nhập thêm các chủng virút mới sẽ làm tình hình thêm phức tạp.

Theo Cục Thú y, tổng số gia cầm mắc bệnh là 51.880 con và tổng số gia cầm tiêu hủy là 66.388 con. Kết quả giám sát virút cúm H5N1 cho thấy việc lây lan chủ yếu do buôn bán gia cầm. Theo kết quả giám sát tại 147 chợ buôn bán gia cầm sống tại 44 tỉnh, thành phố cho thấy tỉ lệ mẫu vịt dương tính với H5N1 là gần 6%, có đến 61% số chợ phát hiện virút H5N1. Chưa kể tới việc virút tồn lưu trong môi trường, đàn chim hoang, chim di trú và việc nhập lậu gia cầm qua biên giới.

Điều gây thắc mắc cho nhiều đại biểu là vào tháng 1 vừa qua đã có hai bệnh nhân tử vong do mắc virút cúm A/H5N1 tại tỉnh Bình Phước và Đồng Tháp thì cả hai tỉnh này chưa có dịch. Như vậy, việc lây nhiễm virút cúm A/H5N1 sang người là rất phức tạp.

Trong khi đó, cúm A/H7N9 mặc dù chưa phát hiện ở VN nhưng những diễn biến của chủng virút này tại Trung Quốc, đặc biệt là ở hai tỉnh biên giới giáp với nước ta là Quảng Tây, Vân Nam, cho thấy nguy cơ lây nhiễm chủng virút này rất cao.

“Tôi đánh giá tình hình nguy hiểm” – ông Cao Đức Phát khẳng định. H5N1 đang có xu hướng lan rộng và bùng nổ ở nhiều mức độ khác nhau tại các địa phương trong khi H7N9 đang rình rập. Nếu việc phòng chống dịch không sát, không quyết liệt và triệt để thì virút từ đàn gia cầm sẽ nhanh chóng lan sang người và gây tử vong. “Kinh nghiệm mười mấy năm phòng chống dịch của tôi cho thấy điều đó” – ông Phát khẳng định.

Theo Cục Thú y, cả nước có 14 tỉnh có dịch nhưng chỉ có năm tỉnh công bố dịch. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng những trường hợp giấu dịch hoặc cố tình vi phạm ném bỏ gia cầm mắc bệnh chết xuống sông như một số trường hợp được phát hiện sẽ bị nghiêm trị theo quy định.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương tích cực, quyết liệt thực hiện tiêu độc khử trùng tại các chợ và đặc biệt là phải quy hoạch, chia tách hai khu vực buôn bán và giết mổ gia cầm để phòng chống sự lây lan rộng của virút cúm A/H5N1. Riêng các tỉnh biên giới cần quyết liệt rà soát các chợ vùng biên, ngăn chặn tuyệt đối việc vận chuyển lậu gia cầm vào VN.

Ngày 18-2, chợ Giếng Vuông – một trong những chợ lớn bán nhiều gà nhất TP Lạng Sơn – có đến hàng trăm lồng gà bên cạnh các lò giết mổ tự phát. Bà Hằng (53 tuổi, tiểu thương nhiều năm kinh doanh ở chợ) cho biết: “Ở đây gà gì cũng có, gà Trung Quốc “vượt biên” giá rẻ nhất chỉ dưới 45.000 đồng/kg, mua nhiều còn được giảm giá…”.

Theo bà Hằng, gà Trung Quốc được bán ở chợ này chủ yếu là gà thải. “Gà ở chợ thì sống nhưng nhiều con về đến nhà thì “lăn đùng ra”. Thịt gà nhạt và khi chế biến thường bị nhão nên mới bán rẻ như vậy” – bà Hằng nói.

Tại trung tâm huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) – nơi được cho là thủ phủ của gà nhập lậu trái phép, theo nhiều lái buôn, gà Trung Quốc chủ yếu được đưa về VN qua các đường mòn, đường tắt vốn tồn tại hằng hà sa số ở vùng biên. Không chỉ gà thịt được đưa qua biên giới mà ngay cả gà giống, vịt con và trứng cũng được đưa về.

Tỉnh Lào Cai có hơn 200km đường biên giới, với một cửa khẩu quốc tế, hai cửa khẩu quốc gia và nhiều lối mở trên đất liền và trên sông, suối tại năm huyện, thành phố là Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương, Si Ma Cai và TP Lào Cai. Tình hình buôn lậu gà, trứng gà, nội tạng động vật có nguồn gốc từ Trung Quốc vẫn diễn ra phức tạp tại các lối mở dọc hai bên cánh gà cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Từ ngày 14-2, UBND tỉnh Lào Cai công bố dịch cúm H5N1 trên địa bàn huyện Bảo Thắng. Chi cục Thú y Lào Cai đã cấp hơn 5 tấn hóa chất chuyên dùng cho các địa phương vùng có dịch để phun khử trùng, tiêu độc nhằm bao vây, khống chế dịch H5N1 phát tán, lây lan ra diện rộng.

Các lực lượng chức năng của tỉnh Lào Cai và UBND các cấp cũng lập ba tuyến ngăn chặn buôn bán, vận chuyển gia cầm, nội tạng động vật, trứng gia cầm trái phép.

Lúc này tại khu vực biên giới Tây Nam đang vào đợt thu hoạch lúa đông xuân. Nhiều đàn vịt từ các tỉnh thành ĐBSCL được vận chuyển ngược lên đây và qua cả bên Campuchia chăn thả. Ở một số nơi, những đàn vịt từ bên kia biên giới cũng xâm nhập về để chạy đồng.

Tại huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), một số tắc ráng trọng tải lớn mang biển số đủ các tỉnh ĐBSCL cứ len lỏi theo các ngả kênh ghé đổ từng đàn vịt lên những thửa ruộng vừa thu hoạch.

Một số chiếc thì cứ ngược theo sông Sở Hạ, Sở Thượng để đổ vịt ở dọc đường biên, sau đó lùa qua các cánh đồng gặt xong bên Sadach, Prey Veng (Campuchia) để chăn thả.

Trong khi đó tại huyện An Phú (An Giang), những ruộng lúa ở khu vực biên giới bắt đầu thu hoạch, nhiều đàn vịt từ các tỉnh miệt dưới lục tục “đổ bộ” lên đây.

Vụ lúa đông xuân năm nay ở Takeo và Kandal (Campuchia) giáp với An Giang thu hoạch trễ hơn chừng 15-20 ngày, nên một số người Việt qua bên đó sinh sống với nghề nuôi vịt đàn cũng đang rục rịch đưa vịt về nước để chạy đồng.

Bà Nguyễn Thị Tím, quê ở Phú Hội, huyện An Phú, kể mình có mấy người anh định cư lâu đời bên Pray Chusa, Takeo. Thấy vợ chồng bà không có đất đai, họ đưa vợ chồng bà qua đó thuê đất trồng lúa và nuôi vịt đàn.

Khi được hỏi đàn vịt có tiêm phòng không, bà Tím vô tư nói: “Bên đó có bán thuốc thú y, thức ăn nhưng có văcxin gì đâu mà tiêm phòng”.

Phó chủ tịch huyện Tân Hồng Nguyễn Chi Lăng cho biết tổng đàn gia cầm trong huyện được tiêm phòng định kỳ đầy đủ. Qua kiểm tra cũng phát hiện một số đàn vịt được chở theo sông Sở Hạ qua Campuchia thả chạy đồng, chiều 18-2 huyện chủ động làm việc với ngành nông nghiệp và thú y tỉnh Prey Veng, để cùng nhau phối hợp ngăn chặn nạn đưa gia cầm qua lại biên giới và phòng chống dịch bệnh.

Ông Phạm Thành Tâm – phó Phòng NN&PTNT huyện An Phú – cho hay ngoài các đàn vịt đến từ các tỉnh có dịch cúm trong nước thì đáng lo nhất là những đàn vịt của người Việt nuôi bên Campuchia lùa qua chạy đồng, bởi hầu như đàn gia cầm bên đó không được tiêm văcxin.

Theo ông Lê Thái Thuận – trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tịnh Biên (An Giang), địa phương này đang tăng cường huy động lực lượng kiểm soát ngăn chặn vịt chạy đồng qua lại biên giới.

“Chúng tôi nghiêm cấm đưa vịt qua Campuchia chạy đồng, đàn vịt nào qua bên đó khi về đều sẽ bị giữ lại tại trạm kiểm dịch cửa khẩu để lấy mẫu kiểm nghiệm và xem xét hồ sơ tiêm chủng. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với virút cúm thì cho tiêu hủy ngay” – ông Thuận khẳng định.

690689

NHÓM PV – CTV TUỔI TRẺ

Vẫn nuôi gia cầm trong khu dân cư

Ghi nhận ngày 18-2 cho thấy gia cầm vẫn được nuôi, bày bán, giết mổ tràn lan ở nhiều nơi thuộc TP.HCM.

Khu dân cư gần cầu Trường Đai (khu phố 5, P.14, Q.Gò Vấp) có hàng chục con gà vẫn quanh quẩn ngay cạnh những người dân đang ngồi hóng mát. Khắp các bãi đất trống xuất hiện đủ loại gà như gà tre, gà chọi, gà mẹ, gà con của người dân nuôi. Thậm chí một số nhà dân còn làm chuồng ngay sát bên đường để nhốt gà, phân gà thải ra đầy lề đường.

Ở đường Phan Văn Hớn (đoạn qua khu phố 3, P.Tân Thới Nhất, Q.12), trại gà của người dân nằm lọt thỏm trong khu dân cư. Một người dân tại đây cho biết phân gà bốc mùi hôi thối cả khu vực. Nhiều nhà dân xung quanh lo sợ nhiễm dịch bệnh từ đàn gà nên thường xuyên phải đóng cửa.

Còn trên đường Phan Văn Đối (đoạn qua xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn), nhiều người dân vẫn bày bán gà, vịt ngay bên đường. Giữa trưa trời nắng nhưng vẫn có hai điểm bán gà, vịt trên đường này. Một người dân sống ở gần đây cho biết người bán gia cầm trên đường Phan Văn Đối chủ yếu là dân địa phương. Tuy đang trong mùa dịch nhưng theo người dân, “chợ gia cầm di động” này vẫn không nghỉ bán ngày nào.

Tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân dù có bảng cấm vận chuyển, giết mổ gia cầm nhưng tình trạng buôn bán, giết mổ tại chỗ vẫn xảy ra. Gần ngã tư Tân Kỳ Tân Quý – hương lộ 3 – Bình Long xuất hiện rất nhiều điểm bán gà vịt, chim cảnh. Tận dụng ngã tư đông người, những lồng chim được bày bán cạnh người đi đường để quảng cáo, thu hút người mua. Những điểm bán gà vịt tại đây khá đông khách, những người có nhu cầu mua gia cầm sống và làm thịt tại chỗ cũng được đáp ứng.

Chiều 18-2, ngay sau cuộc họp trực tuyến của Chính phủ về phòng chống dịch cúm gia cầm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận có cuộc họp nhanh với đại diện các sở, ban ngành, quận huyện trên địa bàn TP. Ông Thuận đánh giá: “TP.HCM không phải là một ổ dịch mà là nơi tiêu thụ thực phẩm gia cầm, gia súc của các tỉnh đổ về. Hiện các quận huyện đã triển khai tích cực công tác phòng chống dịch nhưng vẫn còn 13 quận huyện và 45 điểm bán gia cầm sống. Đây thật sự là nguy cơ”.

Ông Thuận cho biết TP đã quyết định tăng thêm ba đoàn kiểm tra liên ngành để hỗ trợ các quận huyện. “TP sẽ xử lý tình hình qua đường dây nóng, sẽ có hai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin” – ông Thuận nhấn mạnh.

Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp, ông Phan Xuân Thảo – chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM – cho biết vừa qua Chi cục Thú y TP.HCM phối hợp với Chi cục Thú y Tây Ninh và các đơn vị liên quan kiểm tra trên toàn bộ dọc kênh Đông (H.Củ Chi), phát hiện 13 hộ ở Tây Ninh giáp ranh Củ Chi có nuôi gia cầm. Đoàn kiểm tra có lấy nhiều mẫu và qua kết luận, có một mẫu dương tính với virút cúm A/H5N1. Sau đó, TP.HCM có văn bản cho các địa bàn giáp ranh để phối hợp với TP kiểm soát tốt, không để tình trạng gia cầm chết trôi sông gây mất an toàn trong phòng chống dịch cúm.

MẬU TRƯỜNG – MAI HƯƠNG

Nguồn: baomoi