Nghĩ khác đi: cách giúp bạn biến điều không thể thành có thể

Câu chuyện thứ nhất: Những chiếc dù đạt chuẩn 100%

Trong Thế chiến II, chiếc dù của không quân Mỹ có tỉ lệ đạt tiêu chuẩn 99,9%. Từ tỉ lệ này có thể nói, cứ 1000 binh lính nhảy dù thì sẽ một người tử vong bởi 1 chiếc dù không đạt tiêu chuẩn. Vậy nên, quân đội đã yêu cầu xưởng gia công bằng mọi cách phải làm cho tỉ lệ này đạt tới tiêu chuẩn 100% mới được.
 
Người phụ trách xưởng nói rằng họ đã cố gắng hết sức, tỷ lệ 99,9% là vượt giới hạn rồi, trừ phi xuất hiện kỳ tích.
 
Lúc này, quân đội liền thay đổi quy trình kiểm tra, mỗi lần trước khi giao hàng thì tùy ý chọn ra một vài cái trong đó để cho người phụ trách xưởng nhảy dù trước. Từ đó, kỳ tích xuất hiện, tỉ lệ đạt chuẩn của dù đã lên được 100%.

d_hongdao-152418032439-nghi-khac-di
 
Câu chuyện thứ 2: Vận chuyển tù nhân và phương thức trả tiền
 
Sau khi châu Úc trở thành thuộc địa của Anh, vì nơi đây còn hoang vắng, chưa được khai phá, nên chính phủ đã khuyến khích người dân Anh di cư đến châu Úc.
 
Lúc đó, châu Úc rất lạc hậu, không có ai muốn đi. Chính phủ Anh quốc đã nghĩ ra một biện pháp đó là đưa tội phạm đến châu Úc. Điều này vừa giải phóng cho nhà giam, vừa tạo ra nguồn lao động ở châu Úc; hơn nữa, còn giúp họ loại bỏ những người xấu, nước Anh sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
 
Bởi vậy, chính phủ Anh quốc đã thuê các hãng thuyền tư nhân chuyên chở những phạm nhân đến Úc, và dựa vào số người lên thuyền mà trả tiền. Chuyên chở nhiều thì kiếm được nhiều tiền.
 
Tuy nhiên, chính phủ nhanh chóng nhận ra giải pháp này thực sự rất tai hại. Cách thức trả tiền như vậy khiến tỉ lệ tử vong của tội phạm rất cao, bình quân vượt quá 10%; đặc biệt có chiếc thuyền, tỉ lệ tử vong nghiêm trọng, lên đến 37%.
 
Những quan chức chính phủ vắt hết óc để nghĩ ra cách giảm tỉ lệ tử vong xuống trong quá trình vận chuyển, bao gồm cả việc phái nhân viên lên thuyền giám sát, hạn chế số người lên thuyền… Nhưng tình hình cũng không giảm xuống bao nhiêu.
 
Cuối cùng, họ đã tìm ra được một phương pháp tối ưu, có thể nói là “một lần vất vả suốt đời nhàn nhã”. Họ chỉ cần thay đổi phương thức trả tiền một chút, tức là: “Không căn cứ số người lên thuyền để trả tiền mà là căn cứ theo số người sống sót rời thuyền để trả tiền”. Vì thế, chủ tàu chỉ có thể làm mọi cách để đưa tội phạm còn sống sót đến được châu Úc, thì mới kiếm được tiền chuyên chở.
 
Chính sách vừa mới ra thì tỉ lệ tội phạm tử vong giảm xuống còn khoảng chừng 1%. Về sau, chủ tàu vì muốn tăng cao tỉ lệ sống sót còn bố trí cả bác sĩ trên thuyền.
 
Câu chuyện thứ 3: Giải pháp phân phát cháo công bằng
 
Có 7 người ở cùng một chỗ, mỗi ngày được phát cho một thùng cháo lớn. Thế nhưng cháo mỗi ngày đều không đủ cho tất cả. Lúc đầu, họ bốc thăm để chọn ai là người phân chia cháo, mỗi ngày luân phiên nhau. Kết quả, mỗi tuần họ chỉ có một ngày ăn no bụng, bởi vì người nào phân cháo thì sẽ lấy phần nhiều cho mình, ăn no bụng mình trước.
 
Về sau, họ chọn ra một người có đạo đức tốt để phân chia cháo nhưng vấn đề vẫn không giải quyết được. Người nắm hết quyền hành trong tay, lại không có sự ước chế, tất sẽ sinh ra mục nát. Mọi người bắt đầu nghĩ cách để nịnh nọt người đó, câu kết với nhau, khiến cho cả nhóm đó bẩn thỉu xấu xa.
 
Cuối cùng, họ nghĩ ra được một phương pháp: cũng là thay phiên nhau phân chia cháo, nhưng người phân chia cháo phải đợi những người khác lấy hết phần của họ trước, sau cùng thì người đó lấy chén cháo còn lại. Vì không để mình là người ăn ít nhất nên mỗi người đều tận lực chia bình quân, cho dù không đều, cũng tự mình chịu mà thôi.
 
Nhờ vậy, mọi người giữ được không khí vui vẻ hòa ái, ngày tháng trôi qua càng ngày càng tốt hơn.
 
Câu chuyện số 4: Chuyện về Thiên đường và Địa ngục
 
Có một tín đồ Cơ Đốc giáo sau khi qua đời đã thỉnh cầu Thượng đế, xin Người đưa ông ta đi thăm địa ngục và thiên đường, nhìn xem rốt cuộc có gì khác nhau.
 
Đến địa ngục, người này nhìn thấy một bàn ăn rất lớn, bày đầy món ngon vật lạ, nghĩ thầm: “Cuộc sống dưới địa ngục cũng không tệ nhỉ!” Đến giờ dùng cơm, chỉ thấy một đám người gầy như que củi, thoi thóp ngồi vây xung quanh nồi thịt hương thơm tỏa bốn phía. Thế nhưng, chỉ vì cái thìa cầm trong tay quá dài, họ thi nhau đưa miếng thịt vào miệng mình, mà không ăn được, vừa thèm, vừa đói lại vừa xót xa.
 
Thượng đế nói: “Đây là địa ngục”.
 
Họ lại đi vào một căn phòng khác, tại đây cũng giống như địa ngục kia, hương thơm của đồ ăn tỏa khắp nơi, người ở đây cũng cầm trong tay cái thìa cực lớn. Thế nhưng mọi người nơi đây mặt mày hồng hào, tinh thần thoải mái. Vốn dĩ, mỗi người họ đều đút miếng thịt vào miệng đối phương, thế nên ai cũng được ăn.
 
Thượng đế nói: “Đây là thiên đường”.
 
Người khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, có thể sinh ra văn hóa khác nhau và kết quả cũng khác nhau.
 
Những điều này, chính là sức mạnh của sự chế ước.
 
Một xã hội tốt có thể khiến tư tưởng xấu xa của người ta được ước chế; một xã hội xấu xa sẽ khiến những tư tưởng tốt đẹp của người ta lụi tàn. Chỉ bằng cách dung hòa lợi ích giữa mọi người, mới có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề tưởng chừng như không thể