Chứng chóng mặt, choáng váng như say sóng được đông y gọi là huyễn vậng (huyễn nghĩa là hoa mắt, nhìn không rõ, tưởng thật mà không có thật, vậng nghĩa là đầu óc choáng váng như say, mắt tối sầm xây xẩm, ngã nhào) thường xảy ra khi chúng ta mắc một loại bệnh nào đó như cảm cúm, ngộ độc thức ăn, chấn thương đầu, mất nhiều máu, mất ngủ kéo dài…
Nhưng nếu huyễn vậng mà có kèm buồn nôn, rối loạn thị giác, đi đứng chao đảo thì chính là các dấu hiệu điển hình của căn bệnh mà y học gọi là rối loạn tiền đình (RLTĐ).
Thường phát trước tuổi 50:
RLTĐ thường gặp ở người trung niên và cơn đầu tiên thường phát vào tuổi trước 50. Cơ quan tiền đình nằm trong xương thái dương, rất gần với ốc tai, có vai trò quan trọng trong việc duy trì tư thế và dáng bộ; trong phối hợp các cử động của mắt, đầu và thân mình; trong việc duy trì ánh mắt nhìn cố định vào một vật nào đó.
Các bậc danh y tiền bối của y học Đông phương cho rằng sở dĩ sinh ra RLTĐ là do xuất phát từ các nguyên nhân sau:
– Do khí hư hoặc huyết hư, hoặc cả khí huyết đều hư (suy nhược cơ thể). Sự suy yếu này có thể do 7 thứ tính chí, gồm: mừng, vui, lo nghĩ, sầu bi, giận, thương, sợ hãi đến mức bị kích động khác thường khiến tinh thần bị tổn hại
– Do chữa nhầm thuốc; sinh hoạt tình dục quá độ; say rượu kéo dài làm tổn thương tinh huyết.
– Do bị ngoại cảm, cảm nhiễm tà khí (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa)
– Do bị chấn thương, mất máu quá nhiều, chấn động não bộ
Phòng ngừa bằng sinh hoạt hợp lý:
Thầy thuốc sẽ căn cứ vào từng nguyên nhân gây bệnh để có phương pháp trị bệnh thích hợp. Nguyên tắc chữa bệnh sẽ phải tuân thủ khí hư thì phải bổ khí; huyết hư thì phải bổ huyết; khí huyết đều hư thì phải bổ cả khí lẫn huyết; do tính chí tổn thương thì người bệnh phải chú ý giữ tinh thần thanh thản, tránh quá buồn phiền, tức giận, lo nghĩ, sợ hãi…
Để phòng ngừa RLTĐ, chúng ta nên có chế độ sinh hoạt phù hợp với thể chất và điều kiện cuộc sống của mỗi người. Phải làm việc và nghỉ ngơi điều độ, không gắng quá sức hay quá căng thẳng vì công việc. Chế độ ăn uống nên nhiều rau quả, các loại đậu hạt, hạn chế tối đa các thức ăn cay nóng, chiên xào nhiều dầu mỡ khó tiêu, các thức uống có cồn, nếu nghiện thuốc thì phải bỏ hút.
Bất kỳ ai cũng có thể bị những cơn chóng mặt, xây xẩm nhưng nếu có thêm các triệu chứng của RLTĐ như đã nêu ở trên thì nên tích cực điều trị để phòng các hệ lụy khác có thể xảy ra.
Theo kinh nghiệm điều trị của Đông y, các bài thuốc sau có tác dụng cho việc điều trị RLTĐ:
– Nấm mộc nhĩ trắng (15-20 g) nấu canh với thịt heo nạc (50 g) và 1 quả táo đỏ, ăn lúc đói
– Trà xanh hoặc đen (5 g) nấu với vỏ quýt (10 g) cùng với 1/2 lít nước, đun sôi 5-10 phút. Dùng uống sau bữa ăn.
– Gừng khô nướng sơ (6-8 g), cam thảo tẩm mật nướng (4 g), sắc với 750 ml nước cho đến lúc còn 300 ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
– Xác ve sầu (30 g) tán thành bột mịn. Ngày uống 2 lần sau khi ăn cơm, mỗi lần uống 2-3 g với nước pha ít rượu.
– Hoa cúc trắng (6-8 g) tán bột ngâm với nước sôi 5-10 phút, uống sau bữa ăn.
Theo Người lao động