Lá phơi hay sấy khô của cây Lá hen (Calotropis gigentea (L.) Dryand. ex Ait. f.), họ Thiên lý (Asclepiadaceae).
Mô tả Cây lá hen:
Lá có cuống ngắn khoảng 0,5 cm, lá to hình thuôn dài, dài từ 12 – 20 cm, rộng 5 – 10 cm, hai mặt đều có lông trắng, mặt dưới nhiều hơn. Mặt dưới lá có gân nổi rõ; gân giữa rộng và có một tuyến lớn ở phía gần cuống lá. Xung quanh tuyến có lông mầu hung đỏ, hơi cứng và thô.
Vi phẫu:
Phần gân lá: Phía trên phẳng, phía dưới lồi. :…Biểu bì trên và dưới là một lớp tế bào nhỏ xếp đều đặn, có lông che chở đa bào (biểu bì dưới có nhiều lông hơn) Mô dày nằm dưới biểu bì là gồm 2 – 3 lớp tế bào hình tròn, thành dày. Tiếp đến là mô mềm, gồm những tế bào lớn hơn, hình trứng hay hình đa giác,…, có ống nhựa mủ nằm rải rác trong mô mềm, hoặc trong mạch gỗ. Bó libe-gỗ gân chính gồm có cung gỗ gồm những mạch gỗ, xếp thành dẫy, bao bọc bởi vòng libe. Rải rác có tinh thể calci oxalat hình cầu gai đường kính 0,03 – 0,04 mm. nằm trong tế bào mô mềm.
Phần phiến lá: Biểu bì trên và biểu bì dưới gồm một hàng tế bào nhỏ, xếp thành hàng đều đặn, rải rác có lỗ khí. Trên biểu bì, mang lông che chở đa bào. Phía dưới biểu bì trên là mô giậu, gồm 3 – 4 hàng tế bào hình chữ nhật, xếp vuông góc với mặt lá. Mô mềm, gồm những tế bào thành mỏng, xếp sít nhau, để hở những khoảng gian bào. Rải rác trong phiến lá có mạch xoắn, bó libe-gỗ, libe ở ngoài, gỗ ở trong.
Bột:
Có mầu lục nhạt, vị đắng hơi chát. Soi kính hiển vi thấy: Mảnh biểu bì có nhiều lỗ khí và lông che chở đa bào. Nhiều lông che chở đa bào, thành mỏng, trong suốt. Nhiều mảnh mạch xoắn, rải rác có các mảnh mạch vạch. Rải rác có các tinh thể calci oxalat hình cầu gai.
Định tính:
A. Lấy khoảng 20 g bột thô dược liệu, cho vào bình nón, thể tích 250 ml. Thêm 70 ml dung dịch acid sulfuric 10% (TT). Đun sôi 10 phút. Lọc, chuyển dịch lọc vào bình gạn dung tích 100 ml. Kiềm hoá dịch lọc bằng dung dịch amoniac 25% (TT) tới pH 10. Chiết alcaloid bằng cloroform (TT) (10 ml x 3 lần). Gộp dịch chiết cloroform, rồi lắc với dung dịch acid sulfuric 10% (TT) (5 ml x 3 lần). Cô dịch chiết còn khoảng 3 ml, sau đó cho vào 3 ống nghiệm nhỏ, mỗi ống 1ml. Tiến hành các phản ứng sau:
Ống 1: Thêm 2 giọt giọt thuốc thử Dragendorff (TT), xuất hiện tủa vàng cam.
Ống 2: Thêm 2 giọt thuốc thử Bouchardat (TT), xuất hiện tủa nâu.
Ống 3: Thêm 2 giọt thuốc thử Mayer (TT), xuất hiện tủa trắng.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4)
Bản mỏng: Silica gel G
Dung môi khai triển: Cloroform – methanol – amoniac (50 : 9 : 1).
Dung dịch thử: Lấy khoảng 10 g bột thô dược liệu, loại tạp bằng ether dầu hoả trong bình Soxhlet, tãi bã dược liệu để bay hết dung môi. Thấm ẩm dược liệu bằng dung dịch amoni hydroxyd 10 % (TT). Chiết tiếp bằng cloroform (TT) trongi dụng cụ Soxhlet tới khi hết alcaloid. Thu hồi cloroform trong dịch chiết dưới áp suất giảm được cắn, hoà tan cắn trong ethanol (TT) làm dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Lấy 5 g bột Lá hen (mẫu chuẩn), tiến hành như với dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 µl dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí ở nhiệt độ phòng, phun thuốc thử vanilin 1% trong acid sulfuric (TT). Sấy bản mỏng ở 105 oC đến khi các vết hiện rõ. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng vị trí và màu sắc với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Định lượng:
Cân chính xác khảng 20 g bột thô dược liệu lá hen (đã xác định độ ẩm). Loại tạp bằng ether dầu hoả (TT). Sau đó làm bay hết hơi ether. Thấm ẩm bằng dung dịch amoniac 10% (TT), để yên 2 giờ. Tiến hành chiết bằng cloroform (TT) trong bình Soxhlet trên cách thuỷ đến khi hết alcaloid. Chuyển dịch chiết vào bình gạn dung tích 100 ml, thêm 10 ml dung dịch acid sulfuric 2 % (TT) lắc kỹ, gạn lấy lớp dịch acid, tiến hành chiết như trên 4 lần nữa. Gộp các dịch chiết thu được đem kiềm hoá bằng dung dịch amoni hydroxyd 25% (TT) đến pH 10. Tiếp tục chiết alcaloid dạng base bằng cloroform (TT) (7 ml x 5 lần). Gộp dịch chiết cloroform, thu hồi dung môi dưới áp suất giảm, tới còn khoảng 5 ml, chuyển vào cốc đã cân bì, bay hơi hết cloroform trên cách thuỷ tới cắn. Sấy cắn ở nhiệt độ dưới 80 0C tới trọng lượng không đổi. Cân, tính kết quả.
Hàm lượng alcaloid toàn phần trong lá hen không ít hơn 0,2% tính theo dược liệu khô kiệt.
Tro toàn phần:
Không quá 12% (Phụ lục 9.8).
Tro không tan trong acid:
Không quá 2% (Phụ lục 9.7).
Sơ chế:
Thu hái vào tháng 9 – 11. Lau sạch phấn trắng ở mặt sau lá. Phơi khô. Khi dùng rửa sạch, để ráo nước, thái chỉ, sao qua hoặc tẩm mật ong, sao vàng.
Tính vị, quy kinh:
Vị đắng, hơi chát, tính mát. Vào kinh phế.
Công năng, chủ trị Cây lá hen:
Trừ đờm, giảm ho, giáng khí nghịch, tiêu độc. Dùng trị bệnh hen suyễn, kèm theo ho, nhiều đờm; dùng ngòai, trị bệnh ngoài da: ngứa lở, mụn nhọt, đau răng, rắn cắn.
Cách dùng, liều lượng:
Ngày dùng 6 – 12 g dạng thuốc sắc.
Kiêng kỵ:
Phụ nữ có thai và trẻ em dưới 1 tuổi.