Đỉnh núi Lảo Thẩn và dấu chân lạ

Nằm trên độ cao 2.826 m, đỉnh Lảo Thẩn được xem như nóc nhà của Y Tý, thuộc địa phận xã Phìn Hồ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Lảo Thẩn là cái tên phổ biến nhất mà dân địa phương ở đây thường gọi khi nhắc tới đỉnh núi nhọn hoắt vươn mình sừng sững giữa mây trời. Ngoài ra có người còn gọi là Nhìu Cồ San bố (phân biệt với đỉnh Nhìu Cồ San mẹ ở hướng đối diện) hay người Mông gọi nó là Hâu Pông San.

Chuẩn bị

Sau chuyến tiền trạm, Hachi8 rủ thêm 6 người bạn cùng sở thích và có khả năng leo núi để cùng nhau lên lịch trình cụ thể trong 3 ngày 2 đêm, trong đó leo núi mất 2 ngày một đêm. Hành trang mang theo là nước, gạo, rau, thịt gà, lợn cùng vô số thứ đồ lỉnh kỉnh khác.

Địa hình leo núi được xác định là không quá phức tạp, chỉ mất 5 – 6 tiếng là có thể lên tới điểm nghỉ. Từ đó mất khoảng một giờ leo dốc sẽ lên tới đỉnh. Tuy nhiên, do đường lên đỉnh toàn cây bụi, cây gai, gió rất mạnh, thời tiết lại nắng nóng nên nhóm quyết định thuê thêm một người nữa để vác đồ.

Leo núi

Đầu tháng 3, nhóm leo núi bắt đầu lên đường. Đón đoàn tại trung tâm xã Y Tý là A Hờ và Lử, hai anh chàng dẫn đường người Mông mà Hachi8 đã liên hệ khi tiền trạm. Cả nhóm gửi xe máy ở trang trại rau sạch thuộc bản Phìn Hồ và bắt đầu hành trình leo núi từ đây.

Lúc đó, thời tiết khu vực Y Tý đều bị mây mù bao phủ nhưng từ bản Phìn Hồ leo với cao độ 1.820 m thì trời xanh và nắng gắt. Băng qua những khu đồi cháy, cả nhóm đến điểm nghỉ, là một hang đá với lán trại nhỏ của người đi rừng cùng khoảng đất khá bằng phẳng trước mặt. Hachi8 kể lại: “Khung cảnh nơi đây hoang tàn với nhiều thân cây khô, cháy trơ trụi và nằm đổ ngổn ngang, trông giống phim trường của ngày tận thế vậy”.

Lên đỉnh

Hang-da-nho-la-noi-an-nghi-cua

Đỉnh tưởng ngay trước mắt mà xa tít tắp, họ phải mất một tiếng rưỡi để leo dốc. Đây là một trong những ngọn núi cao hiếm hoi ở Việt Nam có đỉnh bằng phẳng, quang đãng với góc nhìn gần như toàn cảnh khu vực xung quanh. Đứng trên đỉnh cao, cả nhóm có thể dễ dàng nhìn thấy dãy Bạch Mộc Lương Tử đằng xa, và gần hơn là cụm núi Nhìu Cồ San hùng vĩ với đỉnh sừng trời vươn lên ngạo nghễ trong nắng chiều.Khi đó là 4h chiều, cả nhóm quyết định không nghỉ mà để lại đồ tại hang đá và lên đỉnh ngắm hoàng hôn. Từ đây, cả nhóm phải đương đầu với độ dốc lớn và gió núi. Đúng như những gì mà A Hờ đã cảnh báo, nơi đây là lãnh địa của cây bụi và trúc lùn cao không quá đầu người, lẩn khuất trong đó là những cây gai sắc nhọn đủ để đâm xuyên cả găng tay nếu như ai đó lơ đễnh. Tuy nhiên, ngọn cây già từ lại là thứ rau sạch, được người dân dùng để nấu canh, ăn rất mát.

Độ cao đoàn đo được tại đỉnh là 2.826 m. Hachi cho biết: “Lúc đó gió vần vũ không ngừng, dù đã mặc thêm áo ấm nhưng ai cũng cảm thấy khó chịu, bủn rủn chân tay khi dừng quá lâu trên đỉnh”. Cả đoàn quyết định rời xuống về điểm nghỉ ngay khi mặt trời chưa khuất dạng. Đường xuống ngược chiều nắng nên vừa leo cả đoàn vừa được ngắm khung cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp. Khó khăn chỉ đến từ gió cùng những thân cây gai sắc lẹm.

Về tới điểm nghỉ cũng là lúc mặt trời khuất hẳn, ánh chiều hoàng hôn rực rỡ nơi cuối chân trời. Cả đoàn bắt tay vào công việc bếp núc, củi lửa và dựng hai lều trại nhỏ ngay trước cửa hang đá, bởi trong hang rất hẹp, chỉ đủ cho khoảng bốn người nằm. Ngoài hang đá, gió vẫn gào thét không ngừng khiến cho câu truyện bên đống lửa cứ râm ran mãi. Sáng sớm hôm sau, cả đoàn dậy từ 6h, chuẩn bị leo lên đỉnh để ngắm bình minh Lảo Thẩn.

Dấu chân lạ trên đỉnh núi hoang vu

Sau một hồi ngắm cảnh và chụp ảnh xung quanh, cả nhóm dạo một vòng thăm thú vùng đất trên đỉnh. Họ phát hiện ra một vài tấm đá có khắc ghi dấu tích khám phá, có phiến đá ghi năm 1994. Nhưng điều đặc biệt hơn khiến ai cũng tò mò là những dấu chân, cả cũ lẫn mới trông khá to, nhìn thoáng qua thì giống dấu chân trâu bò, nhưng lún sâu và to hơn nhiều.

A Hờ giải thích rằng không thể có việc trâu bò lên đây được, bởi địa hình rất dốc, lại nhiều gió và không hề có thức ăn phù hợp với chúng. Anh cũng kể lại việc những người đi rừng lão luyện từng kể rằng đã bắt gặp loài vật lạ, to lớn với hai sừng xuất hiện ở đỉnh núi này. Đến nay những dấu chân lạ ấy cũng là một điều bí ẩn với cả người Mông.

Trở về

Cả đoàn rời đỉnh núi khi tất cả đã ngập trong ánh nắng chói chang. Càng hạ thấp độ cao, nắng càng làm trời trong xanh hơn. Mây dâng lên khiến những người leo núi có cảm giác được gần hơn với sóng mây đang vần vũ dưới thung lũng.

Hachi nhớ lại: “Dù đã đi nhiều núi, chứng kiến không ít những khung cảnh tuyệt đẹp nhưng những gì trải nghiệm được trong hành trình này quả thực ấn tượng, khó quên với mỗi thành viên trong đoàn”.