Giải đáp những câu hỏi quanh vụ máy bay AirAsia mất tích

Ngày thứ ba sau khi chiếc phi cơ mang số hiệu QZ8501 của hãng hàng không AirAsia biến mất trên đường bay từ Indonesia tới Singapore, nhiều bí ẩn vẫn tiếp tục bao trùm số phận của máy bay cũng như 162 người trên khoang. Đến nay, chưa có mảnh vỡ nào từ chiếc Airbus A320-200 được tìm thấy.

Dưới đây là một số câu hỏi liên quan đến sự mất tích của máy bay QZ8501, về công cuộc tìm kiếm cũng như câu trả lời của các chuyên gia trong ngành.

30indonesia-hp-jumbo-6677-1419911079

Các nhân viên đang phân tích dữ liệu tại Cơ quan Tìm kiếm Cứu hộ Quốc gia Indonesia, có trụ sở ở Jakarta. Ảnh: Reuters

Thời tiết xấu đóng vai trò như thế nào

Kiểm soát không lưu mất liên lạc với chiếc máy bay hai động cơ vào khoảng 6h30 sáng 28/12 (giờ địa phương), một tiếng sau khi nó rời sân bay quốc tế Juanda tại Surabaya, thuộc tỉnh Đông Java, Indonesia.

Hãng AirAsia thông báo máy bay đã yêu cầu đài kiểm soát không lưu Jakarta cho phép đi chệch khỏi đường bay ban đầu và thay đổi độ cao để tránh điều kiện thời tiết bất ổn tại khu vực nổi tiếng hay xảy ra các trận bão lớn.

Theo Gerry Soejatman, chuyên gia tư vấn tại hãng hàng không Whitesky Aviation, tình huống xấu vẫn có thể xảy ra dù điều kiện thời tiết bất ổn là “yếu tố tiên quyết hay chỉ là một yếu tố góp phần” khiến máy bay mất tích đi chăng nữa.

“Dựa trên những thông tin được công bố, các phi công đã bay lệch về bên trái so với đường bay ban đầu và cũng yêu cầu nâng độ cao”, AFP dẫn lời Soejatman nói.

“Yêu cầu rẽ trái được chấp thuận nhưng có thông tin cho rằng máy bay tăng độ cao khi chưa được cho phép. Nếu đúng như vậy, sự nhiễu động không khí chắc chắn phải rất lớn mới có thể buộc phi công đưa ra quyết định trước khi nhận được hồi đáp”, ông cho biết thêm.

Anthony Brickhouse từ Hiệp hội Điều tra An toàn bay Quốc tế cho hay “chẳng có gì là quá đặc biệt khi một đường bay được định sẵn nhưng vì một việc gì đó xảy ra mà phi công phải cố thay đổi nó”.

“Những hãng hàng không thường có xu hướng tránh các cơn bão càng nhiều càng tốt để hành khách có một chuyến bay dễ chịu”, Brickhouse nhận xét. “Việc họ tìm cách né thời tiết xấu không nói lên điều gì về bức tranh toàn cảnh của vụ việc”, ông nói.

Những vụ mất tích khác

Hôm 8/3, máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines biến mất khi đang bay từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh với 239 người trên khoang.

Chiếc Boeing 777-200 được cho là bị rơi tại Ấn Độ Dương, ngoài khơi bờ biển phía tây Australia vì một lý do không rõ ràng . Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa được xác nhận.

Nhiều quốc gia chung tay tiến hành cuộc tìm kiếm quy mô cả trên không và trên biển trong nhiều tháng nhưng vẫn chưa phát hiện bất kỳ mảnh vỡ máy bay nào.

Năm 2009, chiếc phi cơ mang số hiệu AF447 hay AFR447 của hãng hàng không Air France bị rơi xuống Đại Tây Dương khi đang trên đường từ Rio de Janeiro đến Paris. Vụ việc cướp đi sinh mạng của 216 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn. Người ta không thể nhanh chóng tìm thấy các mảnh vỡ máy bay và phải mất nhiều năm để xác định vị trí của chúng. Cơ quan điều tra cuối cùng kết luận sai sót về kỹ thuật và yếu tố con người là nguyên nhân dẫn đến thảm họa.

Tháng 1/2007, máy bay mang số hiệu 574 của hãng hàng không Adam Air, chở 102 người trên khoang, biến mất khỏi radar trong một hành trình đi nội địa ở Indonesia. 9 ngày sau các mảnh vỡ mới được tìm thấy và phải mất nhiều tháng người ta mới có thể khôi phục dữ liệu từ hộp đen. Giới chức Indonesia cho hay phi công đã mất kiểm soát vì quá để tâm tới những trục trặc trong thiết bị định vị.

QZ8501 có “bay quá chậm”

Theo một số chuyên gia, từ những gì đọc được trên dữ liệu radar, khi biến mất, phi cơ có thể đã bay chậm hơn nhiều so với tốc độ cần thiết.

Trong vụ rơi máy bay của hãng Air France năm 2009, người ta cho rằng băng đóng trên ống pitot của phi cơ khiến phi công nhận được những dữ liệu sai lệch về tốc độ bay trước khi bị rơi.

“Dù mọi nỗ lực nhằm lý giải nguyên nhân máy bay của hãng AirAsia biến mất đến nay vẫn chỉ là những phỏng đoán nhưng chúng ta không thể không để ý rằng sự việc lần này ít nhất có một điểm giống với vụ Air France 447”, AFP dẫn lời David Cenciotti, blogger chuyên về đề tài hàng không viết trên trang theaviationist.com. Ông thêm rằng tốc độ thấp một phần có thể do các cơn gió ngược quá mạnh.

Theo Soejatman, thông tin phân tích được từ các hình ảnh kiểm soát không lưu bị rò rỉ cho thấy máy bay của AirAsia bay “cực kỳ chậm”. “Nếu phi cơ chẳng may bay dưới vận tốc cần thiết thì bạn ắt sẽ rơi khỏi bầu trời”, ông nói.

Nguy cơ khủng bố

Theo Brickhouse, vẫn còn quá sớm để loại bỏ bất kỳ khả năng nào. “Là một nhà điều tra, tôi được đào tạo để đặt nghi vấn trước mọi tình huống chỉ đến khi nào các bằng chứng cho thấy những điều khác”, ông nói. “Nhưng hiện tại, tôi vẫn chưa tìm thấy bất cứ điều gì có liên quan tới hành vi tội phạm”.

Vì sao nhà chức trách không nhận được tín hiệu từ máy bay mất tích

Các máy bay thường lắp đặt thiết bị định vị khẩn cấp (ELT), được thiết kể đề phòng trường hợp máy bay bị rơi và phi công vẫn cố gắng để kiểm soát nó. Trong những vụ tai nạn nghiêm trọng, thiết bị này thường không có tác dụng.

Máy bay cũng sở hữu hộp đen chứa thông tin ghi dữ liệu chuyến bay và ghi âm buồng lái. Nếu bị ngâm trong nước nó sẽ kích hoạt chế độ “pinger”, truyền tải tín hiệu dẫn các nhà điều tra tới vị trí cần thiết. Tuy nhiên, người ta không thể bắt được tín hiệu này ở khoảng cách quá xa.

Theo Soejatman, hãng AirAsia cũng “không đăng ký” Hệ thống Truyền tải và Báo cáo Thông tin Liên lạc (ACARS) nhằm gửi đi những thông điệp ngắn tới các đài kiểm soát mặt đất mặc dù loại máy bay Airbus A320-200 có lắp đặt thiết bị này.

Máy bay có thể hạ cánh an toàn trên mặt nước

Các chuyên gia nhận định điều này có thể xảy ra nhưng dường như không áp dụng cho trường hợp của máy bay thuộc hãng AirAsia.

Chiếc Airbus A320 được trang bị một bộ hoán chuyển “mà khi cần thiết có thể biến thân máy bay thành một chiếc thuyền”, CNN dẫn lời Alan Diehl, nhân viên điều tra tai nạn tại Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, cho hay. “Nếu họ điều khiển được máy bay đáp xuống nước an toàn, nó chắc hẳn sẽ phải nổi”.

Nhưng theo chuyên gia tìm kiếm dưới nước Christine Dennison, khả năng phi cơ đáp xuống mặt biển ít có cơ hội xảy ra.

Ông Bambang Sulistyo, người đứng đầu cơ quan tìm kiếm cứu hộ Indonesia hôm qua cũng nhận định máy bay có thể “đang nằm dưới đáy biển sâu”.

Điểm giống và khác với vụ mất tích máy bay MH370 của Malaysia Airlines

Xét trên bề ngoài, hai vụ việc có những nét tương đồng khi đều đang bay trên vùng biển Đông Nam Á vào sáng sớm thì biến mất khỏi màn hình radar, đồng thời, khiến nhiều quốc gia cùng chung tay tiến hành một cuộc tìm kiếm quy mô.

Tuy nhiên theo các nhà phân tích vẫn có một số khác biệt đáng chú ý.

Trong vụ MH370, các phi công không liên lạc qua radio báo cáo về sự thay đổi lịch trình kỳ lạ của máy bay, càng khiến những nghi hoặc quanh nguyên nhân máy bay mất tích trở nên bí ẩn hơn. Trong khi đó, phi công trên chuyến bay QZ8501 đã liên lạc với trạm kiểm soát không lưu, yêu cầu chuyển hướng và thay đổi độ cao.

Chiếc máy bay của AirAsia được cho là rơi xuống Biển Java, một vùng nước nông và đông đúc hơn so với Ấn Độ Dương, khu vực MH370 được cho là đã rơi xuống.

Theo Steven Wallace, cựu giám đốc Văn phòng Điều tra Tai nạn Hàng không Liên bang Mỹ, việc tìm kiếm máy bay QZ8501 chắc chắn sẽ dễ dàng hơn so với chiến dịch săn lùng MH370.

Giao thông hàng không có còn an toàn

Relatives of passengers onboard AirAsia flight QZ8501 cry in a waiting area at Juanda International Airport in Surabaya

Thân nhân hành khách trên chuyến bay QZ8501 bật khóc trong khu vực chờ đợi ở sân bay quốc tế Juanda, Surabaya, Indonesia. Ảnh: Reuters.

2014 là năm rất nhiều thảm họa hàng không xảy ra, cướp đi mạng sống của hàng trăm người. Nhưng chuyên gia cho rằng bầu trời vẫn rất an toàn.

Năm nay số vụ tai nạn máy bay đạt mức thấp nhất kể từ những năm 1920, giảm còn 111 vụ từ 139 vụ so với năm ngoái, theo dữ liệu từ Kho Lưu trữ Thông tin Tai nạn Máy bay, trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ.

Mặc dù vậy vẫn có những tin xấu. Nếu tất cả số người trên máy bay của AirAsia thiệt mạng, số người chết vì tai nạn hàng không trong năm 2014 sẽ lên tới 1.320 người, cao nhất trong gần một thập kỷ.

Còn bao nhiêu vụ máy bay mất tích chưa có lời giải đáp

Những tình huống như vậy là rất hiếm. Nhưng việc máy bay mất tích kỳ bí, không để lại dấu vết đã xảy ra trong lịch sử hàng không thế giới. Một vài trường hợp vẫn chưa có câu trả lời sau hàng chục năm.

Đáng chú ý nhất là vụ một chiếc Boeing 727 biến mất sau khi cất cánh từ Luanda, thủ đô của Angola. Hiện vẫn không ai biết nó đang ở đâu.

Nguyên nhân khiến chiếc máy bay mang số hiệu 990 thuộc hãng hàng không EgyptAir rơi xuống Đại Tây Dương, ngoài khơi bờ biển Massachusetts, khiến 217 người trên khoang thiệt mạng, đến nay vẫn còn là một ẩn số.

Bất chấp các cuộc điều tra của chính phủ, những thuyết âm mưu vẫn vây quanh chiếc máy bay số hiệu 800 của hãng hàng không Trans World Airlines, nổ tung trên bầu trời, một thời gian ngắn sau khi cất cánh từ thành phố New York vào năm 1996.

Tổ bay có thiếu kinh nghiệm

Cơ trưởng điều khiển phi cơ có hơn 20.000 giờ bay, trong đó 6.100 giờ lái chiếc Airbus A320 của hãng AirAsia Indonesia. Đây là một con số đáng nể, theo hãng hàng không. Phi công phụ cũng có tổng cộng 2.275 giờ bay, đây là một con số hợp lý đối với vị trí công việc.

Bài học nào rút ra từ chiến dịch tìm kiếm máy bay MH370

qz8501-search-areas-dec-9601-1-7271-9536-1419911079

Vị trí 13 khu vực tìm kiếm QZ8501. Ảnh: Channel News Asia.

Bài học quan trọng nhất dường như là về việc kết nối thông tin. Các quan chức Malaysia từng bị chỉ trích gay gắt vì đưa ra những bản báo cáo gây nhiễu loạn và mâu thuẫn ngay sau khi MH370 biến mất.

Các thân nhân của hành khách trên chuyến bay thì than phiền về cách mà hãng hàng không đối xử với họ.

Trong vụ việc lần này, chính phủ và hãng bay có vẻ cẩn trọng hơn. Ông Tony Fernandes, chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành AirAsia từng đăng tải trên trang Twitter rằng ưu tiên hàng đầu của công ty là “chăm sóc người thân” của tổ bay và hành khách.

Bên cạnh đó, cuộc tìm kiếm dường như có một khởi đầu nhanh chóng và hiệu quả hơn. Giới chức Indonesia lập tức đăng tải kế hoạch tìm kiếm, huy động tàu hải quân, đồng thời, nhờ đến sự giúp đỡ của các nước như Malaysia, Singapore, Australia, Mỹ và Trung Quốc…

Vũ Hoàng (theo AFP, CNN)

Nguồn: vnexpress