Hưởng ứng Ngày Sơ cấp cứu thế giới và tăng cường hoạt động sơ cấp cứu trên địa bàn tỉnh, sáng ngày 22/9/2014, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị Triển khai Thông tư số 17/2014/TT-BYT ngày 02/6/2014 của Bộ Y tế về quy định việc cấp giấy phép hoạt động đối với trạm, điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ và việc huấn luyện sơ cấp cứu Chữ thập đỏ.
Tham dự Hội nghị có Thường trực tỉnh Hội, các phòng, ban, cán bộ công chức, viên chức tỉnh Hội và đại diên lãnh đạo 9 huyện, thị, thành Hội. Ông Cáp Kim Liêm, Uỷ viên TƯ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh chủ trì Hội nghị.
Ông Cáp Kim Liêm đã quán triệt một số nội dung chủ yếu của Thông tư như: điều kiện hoạt động, thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép hoạt động đối với trạm, điểm sơ cấp cứu; khung chương trình, nội dung huấn luyện sơ cấp cứu và giấy chứng nhận cho học viên sau huấn luyện.
Theo quy định của Thông tư:
Giám đốc Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động cho các trạm, điểm sở cấp cứu đảm bảo các điều kiện sau:
Đối với điểm sơ cấp cứu: Phải có phòng sơ cấp cứu diện tích tối thiểu 06m2; có biển báo, biểu tượng, cờ chữ thập đỏ; phải có bộ nẹp cố định gãy xương; bông băng, gạc, cồn sát trùng, túi cứu thương, cáng cứu thương; có tối thiểu 02 tình nguyện viên cấp I làm việc tại điểm. Điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ có thể đặt tại nhà dân, tại nơi thường xuyên xảy ra tai nạn để kịp thời thực hiện nhanh chóng các hoạt động sơ cấp cứu.
Đối với trạm sơ cấp cứu: Phải có địa điểm cố định, có phòng sơ cấp cứu diện tích tối thiểu là 10m2; có đủ điện, nước phục vụ sơ cấp cứu; có biển báo, biểu tượng, cờ chữ thập đỏ; bảo đảm điều kiện về vệ sinh môi trường; phải có bộ nẹp cố định gãy xương; bông, băng, băng ga rô, gạc, cồn sát trùng, túi cứu thương, tủ đựng dụng cụ sơ cấp cứu, cáng cứu thương, xe cứu thương (nếu có); có tối thiểu 03 tình nguyện viên cấp II làm việc tại trạm (trong đó 01 người chuyên trách làm việc toàn thời gian). Địa điểm đặt trạm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ phải là nơi thuận tiện giao thông, thường xuyên xảy ra tai nạn để kịp thời thực hiện các hoạt động sơ cấp cứu khi tai nạn xảy ra.
Về huấn luyện sơ cấp cứu:
Hội Chữ thập đỏ cấp huyện trở lên được huấn luyện cho nhân dân tại cộng đồng và tình nguyện viên cấp I với 10 nội dung kỹ thuật sơ cấp cứu, trong thời gian 24 tiết và huấn luyện cho tình nguyện viên cấp II (sau khi đã được huấn luyện tình nguyện viên cấp I) với 14 nội dung sơ cấp cứu, trong thời gian 40 tiết.
Hội Chữ thập đỏ cấp tỉnh trở lên được phép huấn luyện Hướng dẫn viên sau khi được huấn luyện tình nguyện viên cấp II, trong thời gian 40 tiết.
Trong thời gian tới tỉnh Hội sẽ củng cố Trung tâm Đào tạo huấn luyện, thành lập Trạm sơ cấp cứu thuộc tỉnh Hội; các huyện, thị, thành hội sẽ củng cố các điểm sơ cấp cứu hiện có, thành lập thêm các điểm sơ cấp cứu ở những địa bàn thường xảy ra tai nạn; cử một số cán bộ tham gia lớp huấn luyện Tập huấn viên do Trung ương Hội Chữ thập đỏ tổ chức và huấn luyện tình nguyện viên sơ cấp cứu theo đúng quy định.
Kết thúc Hội nghị, các đại biểu nắm rõ những nội dung chủ yếu của Thông tư và thống nhất giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả công tác sơ cấp cứu trên địa bàn.