Một số tác dụng đáng chú ý nhất của ăn chay:
1. Giảm cân
Người ăn chay thường nhẹ cân và ít nguy cơ béo phì hơn người ăn mặn; nhờ đó, ít mắc các bệnh do béo phì như: tiểu đường, sỏi mật, cao huyết áp, bệnh động mạch vành tim… Tuy nhiên, nếu ăn không đúng cách có thể trở nên gầy còm, hốc hác. Trẻ em và tuổi thiếu niên nếu ăn chay có thể nguy hiểm cho sự tăng trưởng. Bà mẹ mang thai ăn chay thường nhẹ cân, ít tăng cân và có nguy cơ sinh con thiếu cân.
2. Giảm huyết áp
Huyết áp của người ăn chay trường thường có khuynh hướng thấp hơn người ăn mặn và ít tăng huyết áp theo tuổi hơn. Các nghiên cứu cho thấy: càng ăn nhiều thức ăn từ động vật, huyết áp càng có khuynh hướng tăng cao. Tuy nhiên, cũng không nên bỏ qua các yếu tố về lối sống có ảnh hưởng tốt đến huyết áp. Người ta còn thấy ở người ăn chay ít có ảnh hưởng đến huyết áp hơn là người ăn thịt.
3. Giảm bệnh động mạch vành tim
Các nghiên cứu khoa học cho thấy: tỷ lệ người ăn chay mắc bệnh và tử vong thấp hơn hẳn so với người ăn mặn. Nguyên nhân được cho là do thức ăn chay chứa nhiều xơ, ít béo, ít cholesterol, tỷ lệ giữa chất béo không no và chất béo no cao. Bệnh động mạch vành tim gắn liền với lượng cholesterol máu. Người ăn chay có lượng cholesterol trong máu, nhất là loại LDL, thấp hơn hẳn so với người ăn chay có dùng sữa và người ăn thịt. Trên thực tế, lượng mỡ trong máu tùy thuộc nhiều vào số lượng và loại chất béo mà người ăn chay ăn vào. Đồng thời, lối sống ít dùng thuốc lá, thích tập luyện và tình trạng nhẹ cân cũng góp phần không ít.
4. Giảm nguy cơ bị sỏi thận
Người ăn chay thải calci, oxalat và acid uric ra nước tiểu ít hơn người ăn mặn. Và do đó, người ăn chay ít bị sỏi thận hơn người ăn mặn.
5. Giảm nguy cơ bị ung thư
Người ăn chay ít mắc bệnh và tử vong vì ung thư miệng họng, tiền liệt tuyến, nhất là đại tràng hơn người ăn mặn. Lý do là thức ăn chay chứa nhiều chất xơ và ít acid béo hòa tan. Chất xơ làm giảm sự thoái giáng acid mật sơ cấp thành thứ cấp – chất đã được chứng minh là gây ung thư đại tràng. Acid béo hòa tan và sterol nếu có nhiều trong phân sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Ngoài ra, thức ăn chay còn chứa nhiều chất có tiềm năng ngừa ung thư như: các chất chống oxy hóa và một số hóa chất thực vật. Một lần nữa, lối sống của người ăn chay thường có lợi cho sức khỏe, phòng ngừa một số loại ung thư.
6. Giảm triệu chứng bệnh về xương và khớp
Chế độ ăn chay có ích đặc biệt cho một số bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, làm giảm hẳn triệu chứng bệnh về khớp. Nhưng cần thận trọng vì ăn chay không đúng dễ gây teo cơ dinh dưỡng. Đối với thoái hóa khớp, ăn chay không trị được bệnh, nhưng ăn chay trường có thể đóng vai trò trong việc phòng ngừa bệnh. Người ăn chay cũng bị loãng xương như người ăn mặn, nhưng chế độ ăn không có thịt, nhiều estrogen thực vật và hoạt động thể lực nhiều là những yếu tố giúp phòng chống loãng xương.
7. Ngoài ra, ăn chay còn giúp giảm nguy cơ bị sỏi mật
Bệnh túi thừa đường ruột và có ảnh hưởng lên tiểu cầu làm giảm độ nhớt của máu.Như vậy, ăn chay tốt cho sức khỏe không chỉ nhờ vào việc không có thức ăn từ động vật mà còn nhờ vào khuynh hướng sống khổ hạnh, rèn luyện thể lực, ít tiếp xúc với các thứ có hại cho sức khỏe, giữ thanh tịnh tâm hồn và trí tuệ. Ăn chay không là điều gì khác thường mà chỉ đơn thuần là một khuynh hướng về ăn uống mà thôi. Với những ai muốn chuyển từ ăn mặn sang ăn chay, đây là lời khuyên của các nhà nghiên cứu y học: nên chuyển từ từ, đầu tiên tránh thịt đỏ, sau đó dần đến thịt gia cầm, rồi cuối cùng đến cá và thủy hải sản. Và cũng xin được nhắc lại, ăn chay cũng có mặt trái của nó.
Tác hại của việc ăn chay không khoa học
Thiếu kẽm: Kẽm là loại vi chất quan trọng trong các loại thịt, những người ăn chay có nguy cơ thiếu kẽm cao gấp đôi. Mỗi ngày nam giới cần 30 mg kẽm, nữ giới là 24 mg. Thiếu kẽm dẫn đến suy giảm tinh trùng, giảm khả năng làm cha; tăng nguy cơ viêm nhiễm, suy giảm thị lực, suy giảm vị giác, làm chậm quá trình lành vết thương.
Yếu xương: Các chuyên gia Úc và Việt Nam tiến hành khảo sát 2.700 người và nhận thấy, người ăn chay tăng 5% nguy cơ bị yếu xương so với người ăn thịt. Tuy nhiên, với người ăn chay bao gồm trứng và sữa thì sức khỏe của bộ xương không có gì khác biệt.
Ai không nên ăn chay?
Phụ nữ mang thai: Trong quá trình mang thai, người mẹ cần được bổ sung đa dạng và đầy đủ vi chất, dưỡng chất, đặc biệt là protein, canxi và sắt… để đảm bảo sự phát triển toàn diện nhất cho thai nhi. Vậy nên một chế độ ăn uống kiêng kem, nghèo nàn sẽ rất bất lợi cho bào thai.
Trẻ em: Trẻ nhỏ cần một chế độ ăn uống phong phú, dồi dào để có thể phát triển tốt nhất cả về thể chất và trí tuệ. Trong khi một chế độ ăn chay thiếu vắng chất đạm, protein lại không đáp ứng được yêu cầu này.
Người mắc chứng thiếu máu: Trong thịt tập trung một lượng lớn chất sắt, nếu áp dụng một chế độ ăn chay không thịt thì lượng chất sắt sẽ thiếu hụt, gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Người đang ốm, người suy giảm thể lực, phụ nữ đang trong giai đoạn đèn đỏ cũng được khuyến cáo là không nên ăn chay.