Báo cáo thảm họa thế giới năm 2014: Số người thiệt mạng do thiên tai, thảm họa trong năm 2013 thấp nhất trong 10 năm trở lại đây

Lũ lụt vẫn là thiên tai phổ biến nhất, tiếp đến là bão. Trong năm 2013, 44% số người chết bởi thiên tai là do lũ lụt và 41% do bão. Số người tử vong bởi thảm họa công nghệ thấp hơn 26% so với trung bình của thập niên (6.711 người tử vong trong năm 2013 so với mức trung bình của thập niên là 7.594). Thảm họa công nghệ nghiêm trọng nhất là vụ nổ nhà máy sản xuất pháo hoa ở Việt Nam với 4.500 người chịu ảnh hưởng. Trong khi đó, thảm họa với nhiều người tử vong nhất là vụ sập nhà máy dệt may ở Bangladesh với 1.127 người chết. Thiệt hại về kinh tế do thảm họa thiên nhiên gây ra là 118,6 tỷ đô-la Mỹ trong năm 2013, thấp thứ tư trong cả thập niên. Trong đó thiệt hại do trận lũ lụt ở Đức là gần 13 tỷ đô-la Mỹ và siêu bão Hải Yến ở Phillipines là 10 tỷ đô-la Mỹ.

Thảm họa năm 2013: Sự kiện và con số (Thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học về các Thảm họa – CRED)

529 thảm họa xảy ra trên toàn cầu trong năm 2013, bao gồm 337 thiên tai và 192 thảm họa công nghệ.

Ước tính gần 100 triệu người bị ảnh hưởng bởi thảm họa trong năm 2013, thấp hơn nhiều so với con số từ năm 2007 đến năm 2011.

Số thảm họa và số người bị ảnh hưởng trong năm 2013 thấp nhất trong một thập niên trở lại đây. Năm 2005 là năm có nhiều thảm họa nhất trong thập niên vừa qua với tổng số 810 thảm họa. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ làm tăng tần số và mức độ của hiểm họa cũng như số người bị ảnh hưởng.

87% số người bị ảnh hưởng bởi thảm họa trong năm 2013 ở Châu Á. Châu Á là châu lục chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi thảm họa, với 41% thảm họa xảy ra ở đây.

Lũ lụt là loại hình thiên tai xảy ra thường xuyên nhất, tiếp đến là bão. Trong năm 2013, 44% số người chết bởi thiên tai là do lũ và 41% do bão. 49% số người bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong năm 2013 là do bão. Những thảm họa lớn nhất là bão Hải Yến ở Philippines với 16triệu người bị ảnh hưởng và lốc xoáy Phailin ở Ấn Độ với 13 triệu người bị ảnh hưởng.

Số người chết bởi thiên tai trong năm 2013 thấp hơn 80% so với con số trung bình của thập niên.

Hai thảm họa thiên nhiên thảm khốc nhất trong năm 2013 là bão Hải Yến ở Philippines và lũ lụt do các trận mưa gió mùa gây ra ở Ấn Độ. Bão Hải Yến làm thiệt mạng 7.968 người trong tháng 11. Những trận lũ ở Ấn Độ làm 6.054 người chết trong tháng 6.

Thảm họa công nghệ gây ảnh hưởng đến ít người trong năm 2013. Thảm họa công nghệ nghiêm trọng nhất là vụ cháy nổ nhà máy sản xuất pháo hoa ở Việt Nam với 4,500 người bị ảnh hưởng.

Ước tính thiệt hại do thảm họa thiên nhiên gây ra là 118,6 tỷ đô-la Mỹ trong năm 2013, thấp nhất trong một thập niên trở lại đây. Trong đó có lũ ở Đức với ước tính tổn thất lên đến 13 tỷ đô-la Mỹ và siêu bão Hải Yến ở Phillipines với tổn thất lên đến 10 tỷ đô-la Mỹ.

Ước tính thiệt hại do thảm họa công nghệ gây ra là 578 triệu đô-la Mỹ trong năm 2013, thấp hơn rất nhiều so với bình quân trong thập niên là 2,8 tỷ đô-la Mỹ. Những thảm họa gây tổn thất lớn nhất bao gồm vụ tàu chở dầu trật bánh và gây cháy nổ ở Canada, gây thiệt hại khoảng 235 triệu đô-la Mỹ, vụ nổ một nhà máy phân bón ở Mỹ gây thiệt hại khoảng 200 triệu đô-la Mỹ và vụ tàu trật bánh ở Tây Ban Nha gây thiệt hại lên đến 138 tỷ đô-la Mỹ.

Giảm thiểu rủi ro thảm họa và cộng đồng an toàn

Trong 20 năm trở lại đây, hậu quả của thảm họa rất nghiêm trọng: 4,4 tỷ người bị ảnh hưởng, 1,3 triệu người chết, hơn 1,5 nghìn tỷ euro (tương đương 1,9 nghìn tỷ đô-la Mỹ) thiệt hại về kinh tế. Hậu quả gây tác động đến những hộ gia đình có thu nhập thấp và khu vực phi chính thức, không có trong những chỉ số chính thức được công bố, có thể nâng thiệt hại thực tế lên đến 50%, làm cho tổng giá trị thiệt hại lên đến 2,25 nghìn tỷ euro (tương đương 2,89 nghìn tỷ đô-la Mỹ). Cho đến năm 2030, thiệt hại hàng năm do thảm họa gây ra ước tính rơi vào 328 tỷ euro (421 tỷ đô-la Mỹ): tăng 300% trong vòng chưa đầy hai thập niên.

Trong năm 2013, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cũng như các Hội quốc gia đã giúp hơn 25,6 triệu người sống trong những vùng trọng điểm thiên tai ở 121 quốc gia giảm thiểu rủi ro và phòng ngừa thảm họa.  Khoảng 101 triệu euro (130 triệu đô-la Mỹ/122 triệu Phờ-răng Thụy Sỹ) đã được đầu tư vào những dự án giảm thiểu rủi ro thảm họa quan trọng này nhằm xây dựng cộng đồng an toàn ở những vùng trọng điểm thiên tai. Trong vòng 5 năm, đầu tư vào giảm thiểu rủi ro đã tăng 100% và số người hưởng lợi từ những hoạt động giảm thiểu rủi ro thảm họa đã tăng gần gấp đôi, từ 13,5 triệu người năm 2009 lên đến 25,6 triệu người năm 2013. Đầu tư về giảm thiểu rủi ro thảm họa trên đầu người ước tính khoảng 3,8 euro (4,9 đô-la Mỹ/ 4.7 Phờ-răng Thụy Sỹ)[1].

Sự thiếu đầu tư vào giảm thiểu rủi ro thảm họa làm cho chi phí ứng phó khẩn cấp tăng gấp bội. Trong vòng 20 năm, cộng đồng quốc tế mới chỉ chi 1 euro cho mỗi bảy euro “thảm họa” trước khi thảm họa xảy ra[2]:

Ứng phó: 53,9 tỷ euro (69 tỷ đô-la Mỹ)

Tái thiết và phục hồi: 17,9 tỷ euro (23 tỷ đô-la Mỹ)

Giảm thiểu rủi ro thảm họa: 10,4 tỷ euro (13,3 tỷ đô-la Mỹ)

Theo như phân tích chi phí – lợi ích của các chương trình giảm thiểu rủi ro dựa vào cộng đồng của Hiệp hội và các Hội quốc gia, mỗi đô-la chi vào việc giảm thiểu rủi ro thảm họa giúp tiết kiệm được trung bình là 15,65 đô-la Mỹ.

[1]Tờ thông tin về Thống kê Giảm thiểu Thảm họa năm 2013: Tăng cường dịch vụ cho những người dễ bị tổn thương và thúc đẩy đóng góp cho phát triển bền vững, Hiệp hội.

[2] J Kellett và A Caravani (2013) Đầu tư vào giảm thiểu rủi ro thảm họa: Câu chuyện 20 năm về việc trợ quốc tế. ODI, GFDRR.