Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch

Nhắc đến bệnh tim mạch, người ta thường nghĩ đến rất nhiều chứng bệnh khác nhau như: tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, hẹp – hở van tim, đột quỵ, suy tim,… Có 2 nguyên nhân gây bệnh chính là do di truyền và do lối sinh hoạt hằng ngày. Nếu phát hiện sớm, có thể kiềm hãm sự phát triển của bệnh và điều trị tận gốc. Ngược lại, bệnh vào giai đoạn cuối có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Nếu bạn bị bệnh tim mạch do di truyền, không thể trị dứt điểm nhưng có thể kéo dài thời gian phát triển của bệnh. Tuy nhiên, nếu là do lối sinh hoạt thiếu khoa học, bạn nên kịp thời điều chỉnh.

Các yếu tố nguy cơ khó có thể can thiệp

Di truyền: Bệnh tim mạch có thể di truyền. Nhiều nghiên cứu phổ hệ cho thấy nếu bố mẹ hay anh chị em bị bệnh tim thì con cái, anh em ruột có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Nếu người thân gần nhất (mẹ hoặc chị) bị qua đời vì bệnh tắc nghẽn mạch máu tim trước tuổi 55, thì con có nguy cơ bị bệnh tim trước 65 tuổi, tỉ lệ bị bệnh tim sẽ cao gấp 3 lần người không có bệnh sử gia đình. Tuy nhiên, khi biết trước được tình trạng này, bạn nên thường xuyên đến bệnh viện làm các xét nghiêm để đảm bảo mức cholesterol tổng cộng cũng như HDL, LDL và triglycerid ở mức trung bình.

Giới tính: Thường thì nam giới có nguy cơ bị đau tim cao hơn nữ giới và bị sớm hơn. Trong độ tuổi từ nhỏ đến trung niên, nam bị bệnh tim mạch nhiều hơn nữ; nhưng đến tuổi mãn kinh thì tỉ lệ bệnh tim mạch xấp xỉ nhau ở cả nam và nữ. Người ta cho rằng, ở phụ nữ estrogen và hormon giới tính nữ có khả năng bảo vệ tim.

Tuổi: Khoảng 82% người tử vong vì bệnh mạch vành tim là từ 65 tuổi trở lên. Ở người cao tuổi, có lẽ do tim làm việc đã lâu năm nên bị yếu đi, vách tim dày hơn, động mạch phần nào đã bị vữa xơ. Chính vì vậy, khả năng co bóp của tim trở nên khó khăn hơn. Đây là nguyên nhân mà càng cao tuổi nguy cơ bệnh tim mạch càng tăng. Một thống kê ở Hoa Kỳ cho thấy: cứ 5 người chết do bệnh tim mạch thì có tới 4 người trên 65 tuổi. Khi lớn tuổi, bệnh nhân nữ bị đau tim thường dễ bị tử vong hơn nam giới.

Cholesterol đóng thành từng mảng ở thành mạch máu gây vữa xơ động mạch nên rất dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Những yếu tố nguy cơ bạn hoàn toàn có khả năng phòng tránh

Cholesterol máu cao: Cholesterol rất cần thiết cho sự sống và biết rằng sự dư thừa của nó trong cơ thể có hại cho sức khỏe, cụ thể là nguy cơ bị các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim… Trong cơ thể, cholesterol có ở mọi tế bào và có nhiều chức năng quan trọng. Một nghiên cứu cho thấy nếu cholesterol máu càng cao thì tỉ lệ vữa xơ động mạch càng cao. Cholesterol sẽ đóng thành từng mảng ở thành mạch máu gây vữa xơ động mạch, hậu quả là nhồi máu cơ tim. Nhưng có người cholesterol cao mà không bị thiếu máu cục bộ cơ tim, do đó chỉ nên coi cholesterol tăng là yếu tố nguy cơ.

Tăng huyết áp: Tăng huyết áp là bệnh lý thường gặp nhất trong các bệnh lý tim mạch. Tỷ lệ mắc bệnh rất cao ở những người lớn tuổi. Bệnh diễn biến rất thầm lặng, ít có các biểu hiện lâm sàng do vậy hầu hết các bệnh nhân đều không biết mình bị bệnh, nhưng lại gây ra các biến chứng rất nặng nề cho người bệnh và cho cả xã hội. Ở người bị bệnh tăng huyết áp, thành mạch máu thường bị vữa xơ nên rất kém co giãn. Do đó, để tống máu vào hệ thống huyết quản, tim phải co bóp mạnh hơn. Như vậy tim phải gắng sức liên tục, hệ quả là cơ tim sẽ dày lên và cứng hơn, sự cố gắng liên tục sẽ làm tim suy yếu. Do áp lực lên thành động mạch tăng cùng với sự vữa xơ, làm mạch máu dễ bị vỡ ở những nơi xung yếu, tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim.

Giam-huyet-ap-de-han-che-nguy-co-tim-mach-300x227

Bệnh đái tháo đường: đái tháo đường và tăng huyết áp là sự tác động lẫn nhau vô cùng nguy hiểm. Tăng huyết áp càng làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch. Thận giúp kiểm soát huyết áp, nhưng thận cũng bị tổn thương nếu huyết áp quá cao.

Biến chứng tim mạch là biến chứng phổ biến, phức tạp và nguy hiểm nhất ở các bệnh nhân đái tháo đường, với các tổn thương ở cả các mạch máu nhỏ ở đáy mắt, cầu thận và ở cả các mạch máu lớn như mạch vành, mạch não và mạch ngoại biên ở chân

Béo phì: Béo phì liên quan đến một loạt các yếu tố nguy cơ của xơ vữa động mạch và bệnh tim mạch bao gồm tăng huyết áp, kháng insulin, rối loạn dung nạp đường, cholesterol tăng cao, tăng triglycerid, giảm HDL và tăng fibrinogen trong huyết tương.

Hút thuốc lá:  Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh tim mạch độc lập với các yếu tố nguy cơ khác. Yếu tố này phối hợp với các yếu tố khác làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch, gây các bệnh mạch vành, vữa xơ động mạch, đau tim, loạn nhịp, tăng huyết áp… Người hút thuốc gây các bệnh về tim cao hơn người không hút từ 2 – 4 lần; chất nicotin trong thuốc lá làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, giảm ôxy, tăng huyết cục, gây tổn thương thành mạch…

Stress: Có thể làm tăng nhịp tim và tăng huyết áp. Người bệnh tim mà liên tục chịu ảnh hưởng của stress thì tần số cơn đau thắt ngực tăng lên; stress làm cho thần kinh tiết ra nhiều adrenalin làm tăng huyết áp dẫn tới tổn thương thành mạch; làm tăng kết tập tiểu cầu tạo cục máu đông, dễ bị nhồi máu cơ tim.

Rượu: làm tăng huyết áp, tăng triglicerid gây nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Biện pháp làm giảm nguy cơ mắc bệnh

Muốn tránh nguy cơ bệnh tim mạch, cách tốt nhất là loại bỏ các yếu tố nguy cơ đã nêu trên, bao gồm: bỏ hút thuốc lá ngay tức thì bằng nghị lực chứ đừng suy tính giảm hút dần dần. Giữ cân bằng cholesterol, cần giảm ăn chất béo có nguồn gốc động vật, ăn nhiều rau và trái cây các loại. Giảm cân nặng chống béo phì bằng giảm khẩu phần ăn hằng ngày. Tăng cường hoạt động thể lực như tập thể dục đều đặn, đi bộ, chơi một môn thể thao thích hợp… Phòng và chữa tăng huyết áp; cân bằng đường huyết ở mức trung bình; tránh những cảm xúc bất lợi, những căng thẳng hằng ngày…     

Thông tin đến bạn:

Máy đo huyết áp Omron HEM-6131 sử dụng công nghệ Intellisense mới tự động hoàn toàn, đơn giản, dễ sử dụng, cho kết quả chính xác.

Bạn có thể tham khảo sản phẩm tại đây.