Thông tin cần biết: quản lý rủi ro thảm họa tại hộ gia đình

  1. Rủi ro thảm họa là gì?

Là những mất mát có thể xảy ra do một hiểm họa cụ thể gây ra. Ví dụ: nhà có thể bị tốc mái khi có bão xảy ra……

Quản lý rủi ro thảm họa tại hộ gia đình

                                          Quản lý rủi ro thảm họa tại hộ gia đình

  1. Những việc cần làm trước, trong, sau thảm họa

Các hộ gia đình sẽ giảm được các rủi ro trong thảm họa nếu có sự chuẩn bị tốt tại gia đình Những việc cần ưu tiên cho việc chuẩn bị ứng phó tại gia đình:

– Tìm hiểu về các hiểm họa tại địa phương và các thông tin về phòng chống lụt bão tại địa phương (ai là người chịu trách nhiệm về Phòng chống lụt bão (PCLB); địa điểm sơ tán; phương tiện sơ tán; trạm y tế gần nhất; khi gặp khó khăn, nguy hiểm trong thiên tai có thể tìm đến ai để được giúp đỡ; các số điện thoại có thể gọi trong các trường hợp khẩn cấp, v.v.)

– Thảo luận với các thành viên trong gia đình về cách ứng phó với từng loại thảm họa và lập kế hoạch ứng phó Trong tài liệu này chúng tôi xin giới thiệu về những việc cần làm trước, trong sau bão và lũ lụt. Vì đây là 2 hiểm họa thường gặp ở Thừa Thiên Huế

NHỮNG VIỆC CẦN LÀM TRƯỚC, TRONG VÀ SAU BÃO, LỤT Ở HỘ GIA ĐÌNH

Những việc cần làm trước bão, lụt ở hộ gia đình

  1. Tham gia tập huấn về: sơ cấp cứu và cứu nạn, lập kế hoạch giảm nhẹ rủi ro thảm họa cấp hộ gia đình, chằng chống nhà cửa… để ứng phó tốt hơn với thiên tai.
  2. Người dân cùng với cán bộ địa phương đánh giá rủi ro thiên tai để chủ động lập kế hoạch ứng phó.
  3. Chủ động dự trữ lương thực thực phẩm, nước uống, đèn dầu, nến, đèn pin, pin dự phòng… trong mùa mưa bão.
  4. Kiểm tra lại nhà cửa và gia cố những phần chưa chắc chắn.
  5. Chuẩn bị các dụng cụ ứng phó thiên tai như: ghe, thuyền, áo phao, phao cứu hộ, túi sơ cấp cứu, dây thừng…
  6. Thường xuyên theo dõi các thông tin dự báo thời tiết qua tivi, đài phát thanh, loa phát thanh của địa phương.
  7. Thu hoạch lúa và các nông sản khác ở những vùng thấp sớm nhất khi có thể.
  8. Chuyển người, tài sản, gia súc đến nơi an toàn khi có thông báo và hướng dẫn của chính quyền địa phương.
  9. Trong trường hợp cần sơ tán thì cần chuẩn bị quần áo, dụng cụ sơ cấp cứu, đèn pin, nến, radio, pin dự phòng và lương thực thực phẩm và nước uống đến nơi sơ tán
  10. Chuyển các loại hóa chất, thuốc trừ sâu… lên chỗ cao và an toàn để tránh nguy cơ nhiễm độc.
  11. Cất giữ những thứ quan trọng ở nơi cao ráo và an toàn.

Những việc cần làm trong bão, lụt ở hộ gia đình

  1. Tránh ra ngoài khi đang có bão. Không ở gần khu vực của sổ, cửa lớn để tránh nguy hiểm
  2. Tìm mọi cách để cập nhật thông tin về bão, lụt đang xảy ra.
  3. Không cho trẻ em chơi với nước lũ để tránh nhiễm bệnh hoặc nguy hiểm từ nước lũ.
  4. Đậy kín giếng, vật chứa nước để tránh nước lũ tràn vào.
  5. Đậy kín nhà tiêu để chất thải trong nhà tiêu không tràn ra ngoài.
  6. Trong trường hợp cúp điện, cần tắt tất cả các thiết bị điện để bảo đảm an toàn.
  7. Không được đi qua dòng nước lũ để tránh những nguy hiểm từ các nguồn điện hoặc tránh các dịch bệnh từ nguồn nước.
  8. Xử lý nước uống bằng hóa chất Cloramine B hoặc đun sôi trong vòng 10 phút để phòng bệnh tiêu chảy.
  9. Sơ cứu những người bị thương khi chưa có sự hỗ trợ/can thiệp của nhân viên y tế.
Tránh ra ngoài khi bão lũ

                                                  Tránh ra ngoài khi bão lũ

Những việc cần làm sau bão, lụt ở hộ gia đình

  1. Duy trì việc nghe đài, tivi về các bản tin dự báo thời tiết, đảm bảo cho đến khi khu vực người dân sống an toàn thì mới trở về hoặc ra khỏi nhà.
  2. Nếu nhà của hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi bão, cần bảo đảm chỉ vào nhà khi đã an toàn (nhà đã sửa chửa xong).
  3. Dọn dẹp nhà cửa, đường xá, khai thông cống rãnh để phòng các bệnh như: tiêu chảy, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, nước ăn chân…
  4. Mang bốt cao su, găng tay, khẩu trang khi dọn vệ sinh để tránh các mầm bệnh và những mảnh vỡ có thể có trong khi dọn dẹp vệ sinh.
  5. Xử lý rác, xác súc vật chết, nguồn nước để phòng tránh các dịch bệnh liên quan.
  6. Cẩn thận vì một số con vật nguy hiểm như rắn, chuột có thể ẩn nấp trong nhà trong lúc bão, lụt xảy ra.
  7. Không được dùng nước nhiễm bẩn để rửa chén bát, đánh răng, nấu ăn hoặc rửa tay…
  8. Thông báo với chính quyền địa phương về các hư hỏng của hệ thống đường dây điện hoặc các cột điện, cây xanh bị ngã đỗ để họ có hướng xử lý.
  9. Vứt bỏ đi những thực phẩm hay thức ăn đã tiếp xúc với nước lũ
  10. Giúp nhau khắc phục hậu quả của thiên tai.
Dọn vệ sinh sau bão lũ

                                                         Dọn vệ sinh sau bão lũ

Qua bài viết, chúc các bạn tích lũy thêm nhiều kiến thức để quản lý rủi ro thảm họa tại hộ gia đình. Toàn bộ thông tin đều được trích dẫn từ tập tài liệu tập huấn: Phòng ngừa thảm họa cho hộ gia đình

Phòng ngừa thảm họa cho hộ gia đình