Hậu quả ô nhiễm bom mìn, vật liệu tồn sót sau chiến tranh gây nhiều cản trở cho phát triển kinh tế-xã hội, các hoạt động dân sinh và tác động nặng nề đến từng gia đình, tình hình an ninh trật tự trong địa bàn, cộng đồng xã hội. Cùng với nhiều dự án liên quan đến bom mìn được thực hiện ở khu vực miền Trung từ sau chiến tranh do Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế hỗ trợ, từ năm 2011, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Quảng Bình đã thành lập Ban điều hành thực hiện Dự án “Phòng ngừa thương tích và giảm thiểu những tác động bất lợi về kinh tế – xã hội của nạn nhân bom mìn” của Trung ương Hội CTĐ Việt Nam do Ủy ban CTĐ Quốc tế tài trợ.
Các tình nguyện viên đang giới thiệu tranh lật cho người dân thông qua Hội thi “Tuyên truyền phòng ngừa thương tích do tai nạn bom mìn”. Ảnh: Phổ Thế
Tỉnh Quảng Bình là dải đất nhỏ hẹp, nằm trong số những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất của ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh. Nơi đây là địa bàn bị đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại ác liệt nhất trong chiến tranh ở ViệtNam, toàn tỉnh có 159/159 xã bị ô nhiễm bom mìn với tổng diện tích bị ô nhiễm lên tới 224.934.5ha.
Từ sau 1975 đến nay, Quảng Bình có khoảng 5.847 người chết, bị thương. Trong vòng 10 năm trở lại đây, toàn tỉnh xảy ra 164 vụ tai nạn do bom mìn, làm chết 49 người và bị thương 115 người. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa được tiếp cận các thông tin, cách phòng tránh bom mìn trong quá trình sinh sống, lao động sản xuất như: thu gom phế liệu, chặt củi, cưa gỡ bom đạn lấy thuốc nổ, dùng mìn đánh cá, cuốc đào đất sản xuất, chăn thả gia súc, khai hoang, thu hoạch nông sản, xây dựng nhà cửa công trình, trẻ em đùa nghịch… Đặc biệt, tai nạn bom mìn đối với trẻ em chiếm tỷ lệ 21% trong tổng số vụ tai nạn bom mìn.
Qua khảo sát của cán bộ Dự án và được sự chia sẻ của các tổ chức liên quan trong lĩnh vực bom mìn như RENEW, SODI,… tại Quảng Bình, Dự án đã được triển khai tại 5 huyện: Huyện Lệ Thủy (xã Thái Thủy, xã Văn Thủy), huyện Quảng Ninh (xã Hiền Ninh và xã Vĩnh Ninh), huyện Bố Trạch (xã Hoàn Trạch và xã Tây Trạch), Thành phố Đồng Hới (phường Thuận Đức và phường Đồng Sơn) và huyện Quảng Trạch (xã Quảng Lưu và xã Quảng Tiến) với các hoạt động chính là tuyên truyền người dân phòng tránh bom mìn, vật liệu nổ và hỗ trợ sinh kế gia đình nạn nhân giúp họ từng bước vươn lên thoát nghèo.
Giúp nâng cao ý thức của người dân thông qua tuyên truyền
Qua 3,5 năm triển khai Dự án, nhân dân, giáo viên, phụ huynh và học sinh các vùng thực hiện Dự án đã được nâng cao thêm kiến thức hiểu biết về bom mìn, vật liệu nổ qua các lớp tập huấn như: Thông qua 3 cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức về phòng tránh tai nạn bom mìn cho học sinh tiểu học”; Cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Chung tay phòng ngừa thương tích do tai nạn bom mìn, vật liệu nổ”; Hội thi cho các tình nguyện viên CTĐ “Tuyên truyền phòng ngừa thương tích do tai nạn bom mìn” năm 2014; Cách hướng dẫn sử dụng bộ tranh lật; Tổ chức 18 lớp tập huấn giúp hình thành kỹ năng sơ cấp cứu qua các lớp tập huấn sơ cấp cứu ban đầu và sơ cấp cứu nâng cao đã giúp các học viên có thể thành thạo xử lý tình huống, sơ cứu cho nạn nhân bom mìn hạn chế nguy cơ tử vong.
Ông Võ Như Xuân – Chủ tịch Hội CTĐ huyện Lệ Thủy chia sẻ: từ năm 2012, Dự án bắt đầu triển khai ở huyện Lệ Thủy đã được người dân rất hưởng ứng và ủng hộ. Dự án đã giáo dục ý thức mỗi người dân luôn đề cao cảnh giác với bom mìn, vật liệu nổ. Thông qua các lớp tập huấn về tai nạn bom mìn, người dân đã thay đổi nhận thức của mình, thay đổi công việc để tránh hiểm nguy như một số người chuyên đi lượm ve chai đã chuyển sang mở cửa hàng tạp hóa, chăn nuôi…
Nguy cơ tai nạn bom mìn, vật liệu nổ đối với trẻ em rất cao, bởi do thiếu hiểu biết về bom mìn, vật liệu nổ, các em chơi, đùa nghịch với bom mìn; ném, đập bom mìn; chăn trâu, chơi đùa trong khu vực có bom mìn; canh tác, đốt lửa trong khu vực nguy hiểm có bom mìn; đi tắm trong hố bom; đào bới tìm phế liệu; cưa, đục bom mìn…
Vì vậy, Dự án cũng tập trung tuyên truyền, dựng banner và cung cấp bộ tranh lật để hướng dẫn cách nhận biết, kĩ năng phát hiện, phòng tránh tai nạn bom mìn cho giáo viên và học sinh của các nhà trường nằm trong Dự án. Ban điều hành dự án bom mìn tỉnh Hội đã cho xây dựng 10 banner tại 5 trường tiểu học các huyện: Quảng Ninh, Bố Trạch, Lệ Thuỷ và thành phố Đồng Hới tuyên truyền bằng những hình ảnh phòng chống tai nạn bom mìn. Trang bị 25 bộ tranh lật tuyên truyền về ảnh hưởng của tai nạn bom mìn cho Hội CTĐ tỉnh, huyện, thành phố, các xã, phường và các trường tiểu học ở các đơn vị thực hiện Dự án. In và phát hành 550 tập tranh thiếu nhi “Chúng em nói không với tai nạn bom” tới toàn bộ các trường tiểu học, THCS, các huyện, thành phố, thị xã và 159 xã, phường trong toàn tỉnh. Thầy Nguyễn Đăng Minh – giáo viên Trường tiểu học Thái Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, Dự án được các giáo viên và gần 500 học sinh trong trường hưởng ứng rất nhiệt tình. Các em học sinh tỏ ra thích thú tham gia tìm hiểu, đặc biệt thông qua các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về phòng tránh tai nạn bom mìn do Dự án tổ chức. Hưởng ứng Dự án, mỗi tuần nhà trường giành một tiết hoạt động ngoài giờ để tuyên truyền về bom mìn, lối sống an toàn… cho các em.
Để tăng tính hiệu quả về giáo dục phòng tránh bom mìn, Dự án đã lồng ghép các buổi truyền thông trong các cuộc họp của Chi hội phụ nữ các thôn, xã//phường. Chị Hà Thị Nga (52 tuổi) thuộc Chi hội phụ nữ thôn Vĩnh Tuy 3, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết, việc cán bộ Dự án tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về phòng tránh bom mìn, vật liệu nổ lồng ghép trong các cuộc họp phụ nữ đã tạo hiệu ứng lan truyền rất rộng rãi. Ngoài thay đổi hành vi, nhận thức của mình, chị em phụ nữ còn căn dặn con cái chú ý khi đi chăn trâu, vui chơi tránh xa những nơi nguy hiểm…
Hỗ trợ “cần câu” giúp các gia đình nạn nhân cải thiện đời sống
Qua khảo sát thông tin về tai nạn bom mìn của 10 xã, phường thực hiện Dự án (năm 2011, điều tra, khảo sát được 296 nạn nhân tại 2 huyện Quảng Ninh và Bố Trạch; năm 2012, khảo sát được 119 nạn nhân tại huyện Lệ Thủy và Thành phố Đồng Hới; năm 2014, khảo sát được 80 nạn nhân tại huyện Quảng Trạch); Ban Điều hành Dự án tổ chức hỗ trợ khẩn cấp cho các nạn nhân bị tai nạn bom mìn của 8 xã, phường thực hiện Dự án và các địa phương trong tỉnh (năm 2011, hỗ trợ 3 nạn nhân tại thôn Lệ Kỳ 1 và thôn Lệ Kỳ 2 xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh 15.000.000đ (mỗi nạn nhân 5.000.000đ); Năm 2013, hỗ trợ nạn nhân Đinh Phương Nam bị thương 2.000.000đ, nạn nhân Hoàng Tuấn Vũ tại Trường THCS Lê Hoá bị tử vong 3.000.000đ; Năm 2014, hỗ trợ cho 04 nạn nhân tại huyện Bố Trạch và Minh Hóa).
Ngoài ra, Dự án còn tổ chức hỗ trợ sinh kế cho 36 hộ gia đình là nạn nhân bị tai nạn bom mìn của 8 xã, phường thực hiện Dự án. Trong đó, 19 gia đình được hỗ trợ nuôi bò, trâu, 10 hộ gia đình được hỗ trợ nuôi gà, 6 hộ gia đình được hỗ trợ nuôi lợn nái và lợn thịt, 1 gia đình được hỗ trợ làm lò bánh cuốn (trong đó có 8 hộ ở xã Thái Thuỷ, xã Văn Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ) được hỗ trợ nuôi bò, mỗi hộ 8.000.000đ, số hộ còn lại nhận được 5.653.000đ).
Ông Nguyễn Xuân Ninh, cán bộ CTĐ xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, từ sau năm 1975, xã Tây Trạch có nhiều người không may bị tai nạn bom mìn khi đi cuốc ruộng, làm rẫy, chăn trâu bò,… Có người bị chết, có người bị thương tật để lại nhiều gánh nặng cho gia đình mà trong số họ chủ yếu là nam giới – lao động chính trong gia đình.
Nhờ có Dự án, ngay từ năm 2011, một số gia đình nạn nhân trong xã đã được hỗ trợ sinh kế, cấp chiếc “cần câu” giúp các gia đình nạn nhân cải thiện đời sống. Số tiền được hỗ trợ, các gia đình hùn vốn thêm để mua bò giống, hoặc nuối lợn nái sinh sản.
Như hộ anh Dương Văn An (50 tuổi), bị tai bạn bom mìn gây thương tích ở bụng năm 1982, với số tiền được Dự án hỗ trợ sinh kế, gia đình anh đã mua 2 lợn nái sinh sản, mỗi năm cho khoảng 40 lợn con. Sau đó, gia đình anh sẽ nhượng 2 lợn cái con cho 2 hộ nghèo khác. Với sự hỗ trợ này, Dự án đã tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình anh An, còn hỗ trợ thêm các hộ khó khăn khác trong xã.
Bà Phạm Thị Vy – cán bộ CTĐ phường Đồng Sơn, Thành phố Đồng Hới chia sẻ, Dự án đã hỗ trợ sinh kế 4 gia đình trong phường vào năm 2013 (5.653.000đ/hộ). Phần lớn các hộ đầu tư nuôi gà, cứ 3 tháng thu hoạch 1 lứa. Một số gà đẻ lấy trứng tiếp tục đem ấp nuôi lứa mới, và một số gà giống sẽ đem hỗ trợ các gia đình nghèo khác. Bốn tháng đầu năm, có gia đình đã lãi được 10 triệu đồng như hộ gia đình anh Nguyễn Đăng Nhớ – Tổ dân số 11.
Dự án được triển khai, không chỉ hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn trong vùng thực hiện Dự án mà còn hỗ trợ cho các nạn nhân bom mìn trong tình huống khẩn cấp góp phần nâng cao tính hiệu quả Dự án. Hiện tai nạn bom mìn vẫn xảy ra hàng ngày và nếu không có biện pháp khắc phục thì các mối quan tâm, lo lắng ngày của người dân càng gia tăng khi giao thông được mở rộng, nhà cửa công trình được xây mới, các nhu cầu hoạt động kinh tế ngày càng phát triển…