Nhân viên đội tìm kiếm cầm mảnh vỡ của chiếc máy bay số hiệu QZ8501 của hãng hàng không AirAsia bị rơi trên biển Java hôm 28/12 và đôi giày của một nạn nhân sau khi được trục vớt. Ảnh: AFP |
Cô bé Made Putri, 10 tuổi, thường được gọi là Keisha, sáng hôm 28/12 còn rất háo hức trước chuyến đi chơi nước ngoài với gia đình đầu tiên của mình. Em và chị gái Putriyan Permata sẽ được cha mẹ đưa đến thăm Singapore và Malaysia rồi đón sinh nhật lần thứ 11 vào ngày 3/1. Bước chân lên máy bay, Keisha mặc chiếc áo khoác màu đỏ in hình một nhân vật truyện tranh mà cô bé rất yêu thích. Đó là quà tặng từ ông bà ngoại của em.
Tuy nhiên, chưa kịp tổ chức tiệc sinh nhật thì tai họa đã ập xuống gia đình Keisha. Chuyến bay chở em cùng bố mẹ và chị gặp phải một cơn bão, chưa đầy một giờ sau khi cất cánh từ thành phố Surabaya, thủ phủ tỉnh Đông Java. Chiếc Airbus A320 mang số hiệu QZ8501 bị rơi trên biển Java, khiến toàn bộ 162 người trên khoang thiệt mạng. Đến nay nguyên nhân vụ việc vẫn chưa sáng tỏ.
“Năm nay sẽ chẳng còn món quà sinh nhật nào nữa”, New York Times dẫn lời Imam Samporno, ông của Keisha, nghẹn ngào nói khi xem lại đoạn băng từ camera an ninh sân bay ghi lại hình ảnh một cô bé, mặc chiếc áo khoác đỏ, tung tăng bước lên máy bay cùng gia đình.
Từ lúc tai nạn xảy ra, ông Imam và vợ, bà Maria Endang Wirasmi, ngày nào cũng đến trung tâm khủng hoảng tại trụ sở cảnh sát tỉnh để nghe ngóng tin tức về số phận của cô con gái Donna Indah Nurwatie, con rể Boby Winata và các cháu. Cả gia đình con gái sống cách nhà ông không xa, ở ngay thị trấn bên cạnh.
Họ là 4 trong số 92 nạn nhân trong tai nạn máy bay của hãng hàng không AirAsia đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Trong khi đó, thời gian tìm kiếm thì ngày càng bị rút ngắn lại. Ông Imam, với điếu thuốc lá luôn ngậm trên miệng, không hy vọng điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Là một tín đồ Hồi giáo, ông chỉ mong có thể chôn cất con cháu mình một cách tử tế.
“Tôi chỉ cầu xin ơn trên giúp tôi tìm lại thi thể các con, các cháu mình, bất kể trong tình trạng nào”, ông nói. “Nếu nhà chức trách không thể tìm thấy chúng, Thánh Allah sẽ làm điều đó, nhưng tôi mong chính quyền sẽ tiếp tục nỗ lực đến khi thấy toàn bộ thi thể của các nạn nhân”.
Hôm 27/1, quân đội Indonesia thông báo dừng hoạt động tìm kiếm và cho hay các thợ lặn hải quân đã gom hết thi thể bên trong phần thân máy bay, nằm ở độ sâu hơn 30 mét dưới đáy đại dương, ngoài khơi bờ biển phía nam của đảo Borneo.
Cơ quan Tìm kiếm Cựu nạn Quốc gia Indonesia hôm qua khởi động lại hoạt động tìm kiếm nhưng trên một quy mô nhỏ hơn, duy trì đến hết ngày 6/2. Các quan chức cho biết thêm họ có thể sẽ vận động cả ngư dân và những người sống ven biển cùng tham gia tìm kiếm.
Surabaya, thành phố cảng cổ kính, hình thành từ cách đây hơn 800 năm, đã trở thành một địa điểm đau buồn đối với rất nhiều gia đình. Gần một nửa trong số 162 nạn nhân của vụ tai nạn sống ở đây.
Thành phố này nằm bên bờ biển phía bắc của tỉnh Đông Java, tại cửa sông Mas, mang đến cảm giác yên bình với những hàng cây nối dài trên các tuyến phố và có rất ít nhà cao tầng.
Với dân số khoảng 3,2 triệu người, Surabaya là thành phố lớn thứ hai ở Indonesia, cũng là nơi sở hữu cảng biển lớn thứ nhì nước này. Như một minh chứng cho lịch sử lâu đời và đa dạng, Surabaya sở hữu một quảng trường Arab, nhiều nhà thờ Hồi giáo, nhà thờ Thiên Chúa giáo, chùa chiền của đạo Phật, đền đài của người Hindu, một trong những khu người Hoa lớn nhất nước, cũng như các tòa nhà mang dáng dấp kiến trúc Hà Lan.
Ông Imam Samporno, mất 4 người thân sau vụ tai nạn, đang cầu nguyện tại một nhà thờ Hồi giáo trong trung tâm giải quyết khủng hoảng. Ảnh: NY Times |
Tri Rismaharini, thị trưởng thành phố, nhiều lần có mặt tại trung tâm khủng hoảng kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn để cùng san sẻ nỗi đau mất mát với gia đình các nạn nhân khi họ nhận lại thi thể của người thân mình. “Tôi nói với họ rằng ‘hôm nay đến lượt các bạn than khóc, nhưng biết đâu ngày mai sẽ là tôi'”, bà Rismaharini tuần trước chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.
“Chúng tôi không rõ có điều gì bí ẩn phía sau thảm kịch lần này, nhưng chúng tôi biết Thượng đế có kế hoạch của Người”, Johannes Sonny Susanto, 38 tuổi, mục sư tại Mawar Sharon, một đại giáo đoàn Tin Lành với 8.000 thành viên. Giáo đoàn của ông Susanto mất tới 43 người trong vụ tai nạn..
Những ngày đầu sau thảm họa, trung tâm khủng hoảng lúc nào cũng chật ních người. Họ quẫn trí, gào khóc, yêu cầu được biết câu trả lời, đồng thời luôn tự đặt câu hỏi vì sao nỗi đau này lại đổ lên đầu mình. Theo các chuyên gia tư vấn tâm lý, họ đều có biểu hiện suy nghĩ không thực tế và luôn khao khát một phép màu.
Tuần qua, còn khoảng 30 gia đình hàng ngày vẫn có mặt tại trung tâm. Những người khác chỉ biết ngồi nhà và chờ đợi các cuộc gọi hay tin nhắn bất chợt, thông báo rằng người thân của họ đã được tìm thấy và nhận dạng.
Kế hoạch chôn cất cho Jo Indri, cụ bà 80 tuổi, tại một nghĩa trang truyền thống của người Indonesia gốc Trung Quốc đến nay vẫn bị trì hoãn. Bà là người đứng đầu một đại gia đình theo đạo Phật có 5 thành viên thiệt mạng trong vụ tai nạn. Con gái và hai cháu gái của bà Indri đã được tìm thấy và chôn cất xong xuôi. Những người còn lại hiện vẫn mất tích.
Nếu người ta tìm thấy họ, “cha tôi sẽ như trút được một gánh nặng lớn”, Yans Thejakusuma, 30 tuổi, cháu nội của bà Indri nói về nỗi lòng của cha mình. “Chỉ có thế ông ấy mới sống tiếp được”.
Lo âu và thấp thỏm
Margaretha, chuyên gia tâm lý, đồng thời là phát ngôn viên của Hiệp hội Tâm thần học Indonesia, cho biết bà và các nhân viên chăm sóc y tế từ lực lượng cảnh sát quốc gia và hải quân luôn túc trực tại trung tâm khủng hoảng để tư vấn cho những gia đình mà thân nhân vẫn chưa được tìm thấy. Khi các cuộc tìm kiếm đang thưa thớt dần, cơ hội để họ nhận lại thi thể của người thân trở nên ngày càng mờ nhạt.
Theo Margaretha, nhiều cư dân ở Surabaya đã trở thành “nạn nhân gián tiếp” của vụ tai nạn. Họ luôn cảm thấy thấp thỏm lo lắng và sợ hãi mỗi khi lên máy bay, thậm chí không dám di chuyển bằng đường không sau khi xem những bản tin đầy đau thương về số phận của chuyến bay QZ8501 và các nạn nhân.
Trong số những người bị ảnh hưởng này có Diana Dharmayanti, 21 tuổi, sinh viên ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Petra Christian ở Surabaya. Dharmayanti cho biết trước vụ tai nạn, cô có đặt vé máy bay đến Singapore vào tháng 3 tới trên cùng chuyến bay số 8501 thuộc hãng hàng không AirAsia.
“Số hiệu chuyến bay đã thay đổi nhưng tôi vẫn không chắc liệu mình có nên đi tiếp hay không”, Dharmayanti nói sau khi vừa cầu nguyện tại một ngôi đền trong khu dân cư của người Trung Quốc.
H. Choirur Rozi, 37 tuổi, phát ngôn viên của một ngôi trường Hồi giáo cũng có chuyến bay đúng một ngày sau vụ tai nạn. Ông thừa nhận cảm thấy bồn chồn, lo lắng suốt thời gian ngồi trên phi cơ. “Tất cả hành khách trên khoang lúc đó đều chắp tay cầu nguyện”, ông Choirur nở nụ cười rầu rĩ nói.
Trở lại trung tâm khủng hoảng, ông Imam vẫn lặng lẽ ngày ngày đến đây để ngóng tin về gia đình. Ông không thể quên nổi hình ảnh của Keisha, cô cháu gái yêu quý. Ông nhớ như in mỗi lần Keisha nhảy nhót và hát cho ông nghe, gọi ông là “thầy”. “Con bé rất sáng tạo và bày ra nhiều trò tinh nghịch”, ông nói.
Bà Thejakusuma, con gái cụ Indri, lên kế hoạch tổ chức tiệc mừng thành công của cửa hàng kinh doanh quần áo trẻ em đồng thời kết hợp với lễ sinh nhật lần thứ 45 của mình bằng cách thưởng cho cả gia đình một chuyến du ngoạn bằng tàu thủy quanh Đông Nam Á, xuất phát từ Singapore.
Bà đi cùng mẹ, chồng, ông Charly Gunawan, ba người con, và bạn trai của đứa con gái lớn. Ông Thejakusuma từng nói phải đặt chỗ cho cả nhà trên cùng một chuyến bay “phòng khi có chuyện gì xảy ra”. Và họ cứ thế đi xa mãi mãi.
H. Choirur Rozi phải lên máy bay một ngày sau vụ tai nạn. Ông thừa nhận cảm thấy vô cùng lo lắng trong suốt thời gian ngồi trên phi cơ. Ảnh: NY Times |
Vũ Hoàng (theo New York Times)
Nguồn: vnexpress