Sống trường thọ vốn là mơ ước từ rất lâu của toàn nhân loại. Có rất nhiều phương pháp đã được đưa ra thử nghiệm. Tuy nhiên ít người biết, một chế độ dinh dưỡng hợp lý, vận động thể chất phù hợp, tránh những căng thẳng trong cuộc sống cũng là những yếu tố quan trọng giúp con người có cuộc sống khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ.
Bí quyết của vị vua sống lâu hiếm có
Các chuyên gia đã nghiên cứu và đưa ra chế độ dinh dưỡng tương đương với 1 người già 50kg không mắc các bệnh mãn tính như sau: Về chất xơ: Nên bổ sung nhiều rau xanh bởi rau xanh như một chiếc chổi quét nhà giúp đào thải các chất cặn bã, mỡ thừa và cân bằng cơ thể. Mỗi bữa nên ăn từ 250 – 300g rau xanh. Về mỡ động vật: Không nên kiêng hoàn toàn mỡ, nên sử dụng 1/3 là mỡ động vật và 2/3 là dầu thực vật. Về chất đạm: Nên bổ sung các chất đạm tinh như thịt, cá, trứng, sữa… Người già nên ăn hai bữa chính trong ngày, mỗi bữa từ 1- 2 bát cơm, 75g thịt (có thể thay thế bằng 2 quả trứng hoặc 1 khúc cá). Bữa sáng nên ăn bánh mì và 1 cốc sữa. Bổ sung từ 1-2 cốc sữa mỗi ngày vào buổi tối và không nên ăn sau 19h để tránh tình trạng khó tiêu, tích mỡ. Về hoa quả: Có thể ăn tất cả các loại hoa quả nhưng nên ăn các loại hoa quả có múi (cam, quýt, bưởi…), hạn chế ăn các hoa quả chứa nhiều đường. Người già cũng nên hạn chế muối, đồ ăn ngọt, thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, thức ăn đã qua chế biến để tránh ảnh hưởng đến tim mạch, huyết áp và mắc các bệnh mãn tính như gout, gan, mỡ máu. Ngoài ra, người cao tuổi cũng nên có một bộ kiểm tra sức khỏe như máy đo huyết áp, máy đo đường huyết… và cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện bệnh tật kịp thời.
Thời xa xưa, rất nhiều vị hoàng đế dành không ít tâm huyết cho việc tìm kiếm những bài thuốc, những phương pháp giúp cơ thể “trường sinh bất lão”. Điển hình như câu chuyện của vị vua được xem là tàn bạo nhất lịch sử Trung Hoa – Tần Thuỷ Hoàng. Sử sách ghi lại, ông rất sợ chết và tin vào khả năng trường sinh bất lão nên đã phái một vị pháp sư tên Từ Phúc, chở theo 3.000 đồng nam, đồng nữ, ngọc ngà châu báu và 3 năm lương thực để đổi lấy bí quyết trường sinh bất lão từ… các vị tiên trên đảo Bồng Lai, ngoài biển Đông. Tuy nhiên, đội quân của ông đã một đi không trở lại và Tần Thuỷ Hoàng qua đời ở tuổi 49. Tần Thuỷ Hoàng là một trong rất nhiều người thời xưa tin vào những bí quyết trường sinh bất tử của các vị tiên. Đó là lý do tại sao, một thời gian dài, lịch sử phương Đông xuất hiện các đạo sĩ chuyên luyện phương thuốc trường sinh bất lão. Thực tế cho thấy, đa phần những phương thuốc này đều giúp cho con người tăng cường sinh lực, dẫn đến ham muốn tình dục cao. Tuy nhiên nếu sử dụng thường xuyên sẽ dẫn đến cạn kiệt tinh khí mà chết. Tấn Ai Đế – hoàng đế thời Đông Tấn (Trung Hoa) là một ví dụ điển hình chết vì loại thuốc này.
Ngược lại với Tần Thuỷ Hoàng, Càn Long – hoàng đế đời nhà Thanh (Trung Hoa) lại có một tuổi thọ rất cao, 89 tuổi. Cũng có mong muốn được sống lâu sống thọ nhưng với sự tiến bộ trong tư tưởng so với các bậc tiền nhân, vua Càn Long đã tiến hành một cách thông minh hơn. Lịch sử có ghi chép rằng: Ông sống rất có nguyên tắc, sinh hoạt hàng ngày luôn theo nề nếp, kỷ luật. Sáng nào ông cũng dậy từ 5 giờ sáng để ngồi tĩnh tọa, hít thở điều khí. Đợi khi nến tắt, trời sáng hẳn thì đi bộ trong Tử Cấm Thành. Thói quen này của ông được duy trì kể cả khi ông đi nghỉ ở các hành cung. Trong ăn uống, Càn Long cũng không ham sơn hào hải vị. Ông thường dùng đồ ăn nhẹ vào những lúc thích hợp, ăn thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao. Mặc cho những của ngon vật lạ, ông vẫn thích ăn các món được chế biến từ đậu. Ông yêu cầu trong mỗi bữa ăn phải có đậu phụ… Vua Càn Long đặt phương châm “thập thường tứ vật” lên hàng đầu trong luyện tập sức khỏe. “Thập thường” là mười bộ phận của cơ thể luôn được chú ý vận động và luyện tập như: mắt, tai, mũi, mặt, răng, nước bọt, chân tay, bụng và ruột gan…”. Còn “Tứ vật” là bốn điều kiêng kỵ như: “Thực vật ngôn” – khi ăn không nói chuyện, “Ngoạ vật ngữ” – khi nằm không chuyện trò, “Ẩm vật tuý” – uống rượu vừa sức, không được say và “Sắc vật mê” – không mê đắm đàn bà và tình dục thái quá.
Nhờ sự nghiêm khắc trong nguyên tắc sinh hoạt mà Càn Long là một trong số ít những vị vua có tuổi thọ ngoài 80 trong lịch sử phong kiến Trung Hoa. Đến những năm cuối đời mà bước đi, dáng đứng của ông vẫn vững chãi, nhanh nhẹn. Mắt sáng, tai thính và gân cốt vẫn dẻo dai như tuổi tráng niên. Vào năm 1793, Maccactơ – đặc phái viên của Nữ hoàng Anh Quốc đã vượt đại châu để đến Trung Hoa yết kiến vua Càn Long. Viên sứ thần này vô cùng kinh ngạc và sửng sốt khi gặp nhà vua. Ông đã ghi vào nhật ký công tác của mình những dòng chữ như sau: “Hoàng đế Càn Long oai phong lẫm liệt, tinh thần sung mãn, khiêm nhường hiếu khách, tính tình bình dị rất gần gũi với mọi người. Có ai ngờ một vị hoàng đế đã vào tuổi 83 mà lại vô cùng minh mẫn, tráng kiện như vậy. Thoạt trông chúng ta chỉ đoán ngoài tuổi 60”.
Sống lâu không khó
Trên thực tế, chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt vô cùng quan trọng trong việc giúp kéo dài tuổi thọ. Bằng chứng là tuổi thọ con người đang tăng theo thời gian và sẽ tiếp tục tăng nữa khi có sự điều chỉnh, hướng dẫn từ các nhà khoa học, các chuyên gia, các phương tiện truyền thông. Một nghiên cứu của Viện Sinh học y tế tại Lausanne (Thụy Sĩ) cho thấy, tuổi thọ con người đã tăng gần gấp đôi trong vòng hơn 200 năm qua, cụ thể là tăng 98% so với nam và 96% so với nữ. GS. TS Phạm Xuân Sinh (Đại học Dược Hà Nội) cho biết, theo tính toán của các chuyên gia y tế thế giới, tuổi thọ của con người có thể đạt từ 100 đến 170 tuổi tuỳ thuộc vào điều kiện sống của mỗi quốc gia. Và kết luận trong bài nói chuyện “Sự trung thực của các xác chết” của tiến sĩ Y học Walloc – người Mỹ nhận được giải thưởng Nobel vào năm 1991 – đã đưa ra, những cái chết tự nhiên của con người và động vật là do…thiếu dinh dưỡng. Tiến sĩ Y học Walloc đã thực hiện 17.500 ca phẫu thuật, trong đó có 14.501 ca đặc biệt cho động vật đủ loại trên thế giới và 3000 ca cho con người. Từ đó, ông kết luận rằng, nhu cầu hàng ngày về vitamin của cơ thể con người rất ít, tùy thuộc vào từng lứa tuổi. Tuy nhiên, vitamin lại có vai trò rất quan trọng, tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa và nhiều chức năng quan trọng của cơ thể. Từ đó quyết định tuổi thọ của một người cao hay thấp.
Theo ý kiến của ông Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thống và Phát triển tại Hà Nội, để sống thọ mỗi chúng ta cần có cuộc sống lành mạnh, lao động thông minh, ít căng thẳng về tinh thần và một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Bích Ngọc cũng cho rằng, chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp con người có cuộc sống khỏe mạnh. Mặc dù thời hiện đại đời sống được nâng cao nhưng con người vẫn bị thiếu dinh dưỡng. Bởi chế độ ăn không hợp lý, thừa chất béo, chất đạm, đường nhưng lại thiếu chất xơ, vitamin và các khoáng chất khác. Ở Việt Nam, người già thường mắc các bệnh mãn tính không lây như cao huyết áp, béo phì, mỡ máu, tiểu đường, ung thư… và lượng lớn số người qua đời là do mắc một trong những căn bệnh này. Chính thói quen ít vận động, dùng thức ăn nhanh, thức ăn giàu năng lượng, ăn nhiều chất béo, ít rau, uống nhiều nước ngọt, bia rượu… khiến tình trạng mắc các căn bệnh này ngày càng gia tăng. Bởi vậy, muốn có một sức khỏe tốt, ít bệnh tật và sống thọ thì con người nên phòng bệnh bằng cách ăn uống và luyện tập thể chất. Một cuộc nghiên cứu về lối sống của những người già nhưng vẫn khỏe mạnh tại tỉnh Okinawa (Nhật Bản) – nơi có lượng người sống trên 100 tuổi lớn nhất thế giới đã chỉ ra: Người Nhật chủ yếu sử dụng các loại rau, trái cây và ngũ cốc. Bên cạnh đó, thay vì sử dụng các loại bánh mì, bánh ngọt,… thì họ chọn bánh mì nâu, ngũ cốc nguyên hạt, các loại thịt đỏ, trứng, sữa. Các thực phẩm mà họ lựa chọn đều có đặc điểm chung là giàu chất xơ, dinh dưỡng và ít chất béo, carbonhydrat.