Kim tiền thảo còn gọi là Bạch Nhĩ Thảo, Bàn Trì Liên, Biến Địa Hương, Biến Địa Kim Tiền, Cửu Lý Hương… Thường được gặp ở các tỉnh thuộc vùng núi thấp và trung du phía Bắc, từ Nghệ An trở ra. Với tác dụng thần kỳ của mình cây kim tiền thảo được mọi người biết đến như một vì thuốc thần kỳ để điều trị sỏi niệu, sỏi mật, viêm gan, viêm thận.
Cây kim tiền thảo thường mọc thành đám ở ven rừng, nhất là những nương rẫy mới bỏ hoang.
Tác dụng:
Hoạt chất soyasaponin I chứa trong kim tiền thảo đã được chứng minh có tác dụng ức chế sự hình thành sỏi calci axalat ở thận. Cao kim tiền thảo thí nghiệm trên động vật có tác dụng ức chế sự hình thành sỏi calci axalat ở thận do thành phần polysacchorid chứa trong cao có tác dụng này và đồng thời làm tăng lượng bài tiết nước tiểu. Kim tiền thảo còn có tác dụng tăng cường sự tiết mật.
Đối với hệ tim mạch:
Trên thực nghiệm cao kim tiền thảo làm tăng lưu lượng mạch vành, hạ huyết áp, làm tim đập chậm, đồng thời làm giảm mức tiêu thụ oxy của cơ tim. Tác dụng hạ huyết áp do sự kích thích các thụ thể cholinergic và sự phóng bế các thụ thể adrenergic. Thành phần flavonoid của kim tiền thảo cũng có tác dụng hạ huyết áp. Trong nghiên cứu thực nghiệm, kim tiền thảo có tác dụng đối kháng với các triệu chứng do pituitrin gây giảm lưu lượng mạch vành, thiếu máu cơ tim thể hiện trên điện tâm đồ và rối loạn nhịp tim.
Một số bài thuốc có kim tiền thảo
1. Chữa đái ra dưỡng trấp (bạch trọc):
Kim tiền thảo, mía dò, lá tre, mỗi vị 20g; giá đỗ xanh, tỳ giải, mỗi vị 16g, ý dĩ 12g, hoạt thạch 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
2. Chữa viêm thận, phù, viêm gan, viêm túi mật:
Kim tiền thảo 40g; mộc thông, ngưu tất, mỗi vị 20g; dành dành, chút chít, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
3. Chữa sỏi đường tiết niệu:
Kim tiền thảo 40g; mã đề, tỳ giải, mỗi vị 20g; trạch tả, uất kim, ngưu tất, mỗi vị 12g, kê nội kim 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
4. Chữa sỏi niệu gây sung huyết, chảy máu:
Kim tiền thảo 40g, mã đề 20g, ý dĩ 16g, ngưu tất 12g; đào nhân, uất kim, chỉ xác, đại phúc bì, kê nội kim, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
5. Chữa sỏi niệu kèm theo bội nhiễm đường tiết niệu:
Kim tiền thảo 40g; mã đề, tỳ giải, mỗi vị 20g; trạch tả, uất kim, ngưu tất, mỗi vị 12g, kê nội kim 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Kim tiền thảo 40g, mã đề 20g; sinh địa, đạm trúc diệp (cỏ lá tre), mỗi vị 16g; mộc thông, kê nội kim, cam thảo (sao cháy), mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Nếu đái ra máu, thêm cỏ nhọ nồi 16g, tiểu kế 12g. Nếu đau nhiều, thêm: ô dược, uất kim, diên hồ sách, mỗi vị 8g.
6. Những bài thuốc làm tan sỏi để chữa sỏi đường tiết niệu không có cơn đau, không đái buốt, đái dắt, đái ra máu:
Kim tiền thảo 20g; đảng sâm, mã đề, mỗi vị 16g; trạch tả, ý dĩ, mỗi vị 12g; bạch truật, phục linh, ba kích, kê nội kim, thỏ ty tử, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Kim tiền thảo 40g, ngải cứu 16g, kê nội kim 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Kim tiền thảo, hạt mã đề, bạch mao căn, mỗi vị 20g, ý dĩ 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Nếu sau khi dùng thuốc như trên không đỡ hoặc sỏi niệu quản gây ứ nước, ứ mủ ở thận mà phải xử trí bằng phương pháp phẫu thuật lấy sỏi thì sau khi phẫu thuật xong có thể tiếp tục dùng các bài thuốc trên để tránh sỏi niệu tái phát.
7. Chữa sỏi đường mật:
Kim tiền thảo 30g, chỉ xác (sao) 15g; xuyên luyện tử, hoàng tinh, sinh địa hoàng, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
Kim tiền thảo, rau má tươi, cỏ xước, mỗi vị 20g; hoạt thạch, vảy tê tê, củ gấu, mỗi vị 12g; nghệ vàng, hải tảo, mỗi vị 8g, kê nội kim 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
8. Chữa viêm và sỏi túi mật và đường dẫn mật:
Kim tiền thảo, nhân trần, mỗi vị 40g; sài hồ, mã đề, mỗi vị 16g, chi tử 12g; chỉ xác, uất kim, mỗi vị 8g, khổ luyện tử 6g, đại hoàng 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
9. Trị bệnh trĩ:
Mỗi ngày dùng toàn cây Kim tiền thảo tươi 100g (nếu khô 50g) sắc uống. Nghiêm tư Khôn đã theo dõi trên 30 ca sau khi uống thuốc 1 – 3 thang hết sưng đau, đối với trĩ nội ngoại đều có kết quả tốt