Vừa qua tại thành phố Vũng Tàu, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin về điều chỉnh giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, đại diện Lãnh đạo Sở Y tế và các thông tấn, báo chí.
Ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính cho biết hiện nay, một số giá dịch vụ y tế mới chỉ được tính 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp (chi phí thuốc, vật tư trực tiếp; chi phí điện, nước, xử lý chất thải; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp để thực hiện các dịch vụ; chi phí tiền lương, phụ cấp; chi phí sửa chữa lớn, khấu hao trang thiết bị; chi phí khấu hao nhà cửa; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học) và chi phí đó chưa được tính đúng, tính đủ. Do vậy, Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 đã quy định lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế với 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, đến năm 2016, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định). Giai đoạn 2, đến năm 2018, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định). Giai đoạn 3, đến năm 2020, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Như vậy, trong năm nay, giá dịch vụ y tế sẽ tiếp tục được điều chỉnh, tính đủ chi phí tiền lương và chi phí trực tiếp.
Cũng theo ông Liên, khi giá dịch vụ y tế được tính đủ thì Bệnh viện sẽ không được cấp kinh phí hoạt động nữa. Nguồn kinh phí hoạt động của Bệnh viện lúc đó sẽ do BHYT thanh toán (đối với người có thẻ BHYT) hoặc do người bệnh chi trả (nếu không có thẻ BHYT). “Bệnh viện muốn tồn tại thì phải tự nâng cao chất lượng dịch vụ nếu không bệnh nhân sẽ không đến nữa hoặc Bảo hiểm xã hội sẽ không cho khám chữa bệnh BHYT nữa. Khi đó, Nhà nước sẽ dành phần ngân sách đang cấp cho các Bệnh viện để hỗ trợ cho các đối tượng hoàn cảnh khó khăn mua thẻ BHYT và đầu tư cho lĩnh vực y tế dự phòng” – Ông Liên nhấn mạnh.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ y tế: việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này buộc các bệnh viện sẽ từng bước chuyển đổi mô hình hoạt động sao cho hiệu quả hơn. Đồng thời, đây là điều kiện bắt buộc để các bệnh viện nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; khi giá dịch vụ được tính đủ, có cả khấu hao thì giá dịch vụ của bệnh viện công, giá dịch vụ của bệnh viện tư sẽ tương đương, không tạo mặt bằng hai giá như hiện nay, khi đó sẽ khuyến khích xã hội hóa, tạo sự cạnh tranh giữa các bệnh viện công và tư. Các bệnh viện phải nâng cao chất lượng dịch vụ thì mới thu hút được người bệnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng thừa nhận việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ có những tác động đến một số nhóm đối tượng, nhất là những người không có thẻ BHYT. Khi giá dịch vụ y tế tăng, người bệnh không có thẻ BHYT sẽ phải chi trả nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, chính sách này nhằm khuyến khích người dân tham gia BHYT. Người dân sẽ thấy được lợi ích, tính nhân văn của BHYT vì hằng năm họ chỉ phải đóng một mức nhỏ để mua BHYT, khi ốm đau sẽ được BHYT thanh toán, giảm bớt rủi ro. Đó cũng là mục tiêu hướng đến BHYT toàn dân.
Được biết, sau 2 năm bắt đầu điều chỉnh giá dịch vụ y tế, mặc dù hầu hết các địa phương mới chỉ điều chỉnh ở mức 60% đến 80% của 3 yếu tố nhưng đã mang lại những hiệu quả nhất định, quyền lợi của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế được nâng lên. Các bệnh viện sử dụng 15% tiền khám bệnh, ngày giường để mua thêm giường, ghế, cải tạo, sửa chữa phòng khám khang trang hơn, các buồng bệnh đã có sự thay đổi, đáp ứng nhu cầu của người bệnh.
Lan Anh