Chiếc đồng hồ của ông

“Hãy ngừng nói ngay khi nhận thấy bản thân mình hoặc người nói chuyện với mình đang nổi nóng. Lời không nói ra là lời vàng lời bạc” (L.Tolstoi)
Chiếc đồng hồ của ông
 
Ngày ấy, gia đình tôi, gia đình dì dượng, cậu và con cháu tôi đều sống chung với ông bà. Trong phòng ăn, ông tôi treo một chiếc đồng hồ quả lắc to kềnh. Ngày nào đến 6 giờ chiều, nó cũng đổ chuông thật lớn, hối thúc mọi thành viên trong gia đình dùng bữa. Bao giờ ông tôi cũng có mặt tại bàn ăn đúng giờ, vì vậy không ai dám lề mề, chậm chạp. Chúng tôi cùng ăn 1 mâm, ngồi 1 bàn, tiếng bát đũa lanh canh, tiếng cười nói, tiếng bi bô tưởng như vô tận.
maxresdefault
Ngày còn nhỏ, tôi thường ngồi ngả người trên ghế, nghểnh đầu ngắm nghía chiếc đồng hồ và lắng nghe tiếng chuông lảnh lót kỳ diệu của nó. Tôi thường kinh ngạc vì sao nó có thể tiếp tục như thế. Không ngày nào ông tôi quên lên dây đồng hồ và nâng niu nó trong từng động tác. Chiếc đồng hồ có một chiếc khóa nhỏ, chỉ cần vặn đúng cách, đồng hồ sẽ có đủ năng lượng để làm việc suốt ngày (kể cả các ngày nghỉ lễ). Khi chúng tôi lớn lên một chút, ông dạy chúng tôi cách lên dây cót. Tôi nhớ lần đầu tiên chạm vào chiếc khoá, tay tôi đã run lên vì biết rằng từ đây mình đã biết cách làm cho tiếng tích tắc trong nhà không bao giờ ngừng.
Khi ông tôi mất, cả gia đình bận rộn lo tang lễ nên chẳng ai nhớ phải lên dây cho chiếc đồng hồ. Đưa tang xong, chúng tôi nằm dài trên sàn nhà, đau buồn, mệt mỏi. Tôi loáng thoáng nghe tiếng kêu của cậu con nhỏ: “Mẹ ơi! Chúng con đã lấy được chiếc đồng hồ xuống rồi.!”
Tôi nhỏm lên nhìn. Chiếc đồng hồ không còn chạy,  không còn phát ra tiếng kêu tíc tắc, trông nó thật buồn thảm. Tôi chợt nhớ ông, nhưng chẳng còn hơi sức đâu để lên dây cho nó. Sau khi chơi chán, bọn trẻ nhét chiếc đồng hồ vào góc phòng. Ông mất, bà tôi thường đến nhà bạn bè, cha mẹ, dì dượng và chúng tôi bận công việc nên quên cả giờ cơm, chiếc đồng hồ bị nhét vào góc phòng nên chẳng còn đổ chuông báo hiệu giờ ăn đã đến, các bữa ăn gia đình vì thế dần dần biến mất. Căn nhà trở nên lạnh lẽo, vắng lặng, chẳng còn ai nhớ đến chiếc bàn rất lớn trong phòng.
Nhiều năm sau, chúng tôi cùng nhau dọn dẹp, sửa sang nhà sạch sẽ để cho thuê. Nhờ vậy, tôi tìm lại được chiếc đồng hồ cũ của ông. Cầm nó trên tay, tôi chợt cảm thấy có lỗi. Tôi lau sạch bụi, lên dây cót và treo nó lên chỗ trước kia rồi đứng im chờ đợi. Một lúc sau, chiếc kim giây động đậy yếu ớt chậm chạp, nhưng rồi nó đều dần, đều dần. Tôi mỉm cười sung sướng quay lưng định bước đi. Song tôi lập tức đứng lại vì nghe những tiếng tíc tắc, tíc tắc… Tôi cũng nhận thấy nhiều người trong nhà quay lại nhìn, vừa ngạc nhiên vừa phấn khởi. Bà tôi chậm chạp nhìn về phía chiếc bàn ăn, mỉm cười. Có lẽ bà thấy ông tôi, với mái tóc bạc trắng, đang chờ con cháu tụ tập về dùng bữa tối.

Tác giả bài viết: Sưu tầm