ĐỊA CỐT BÌ
Cortex Lycii
Vỏ rễ phơi hay sấy khô của cây Câu kỷ (Lycium chinense Mill.) hay cây Ninh hạ câu kỷ (Lycium barbarum L.), họ Cà (Solanaceae)
Mô tả địa cốt bì
Dược liệu là những mảnh vỏ cuộn tròn hình ống nhỏ hoặc hình máng, dài 3 – 10 cm, rộng 0,5 – 1,5 cm, dày 1 – 3 mm. Mặt ngoài màu vàng xám đến vàng nâu, xù xì, với những đường vân nứt dọc, không đều, dễ bóc; mặt trong màu vàng nhạt đến vàng xám, tương đối nhẵn có vân dọc nhỏ. Chất nhẹ và giòn, dễ bẻ gẫy, mặt gẫy không phẳng, lớp ngoài màu vàng nâu, lớp trong màu trắng xám. Mùi nhẹ, vị hơi ngọt sau đắng.
Vi phẫu
Lớp bần có 4 – 10 hàng tế bào hoặc hơn. Tế bào mô mềm vỏ chứa tinh thể calci oxalat dạng cát tụ tập thành đám với nhiều hạt tinh bột. Đa số các bó tia libe phân cách bởi 1 hàng tế bào rộng; sợi đơn độc và rải rác, hoặc có 2 hay nhiều sợi họp thành đám.
Tro toàn phần địa cốt bì
Không quá 11 % (Phụ lục 9.8).
Độ ẩm
Không quá 11 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 1050C, 5 giờ).
Tỷ lệ vụn nát
Mảnh dưới 1,5 cm: Không quá 2% (Phụ lục 12.12).
Chế biến
Thu hoạch vào đầu xuân và cuối thu, đào lấy rễ, rửa sạch, bóc lấy vỏ, phơi hoặc sấy khô, hoặc rửa sạch rễ, cắt thành từng đoạn 6 – 12 cm, dùng dao rạch đến gỗ, cho vào đồ, vỏ rễ bong ra, lấy vỏ đem phơi hoặc sấy khô.
Bào chế
Loại bỏ tạp chất và lõi gỗ còn sót lại, rửa sạch, phơi khô, cắt đoạn.
Bảo quản địa cốt bì
Để nơi khô.
Tính vị, quy kinh
Cam, hàn. Vào các kinh phế, can, thận.
Công năng, chủ trị địa cốt bì
Lương huyết, trừ cốt chưng, thanh phế, giáng hoả. Chủ trị: Âm hư, sốt về chiều, cốt chưng, đạo hãn, phế nhiệt, ho khạc máu, nội nhiệt tiêu khát.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 6 – 12 g. Dạng thuốc sắc.