Google vừa công bố 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam năm 2015. Thật đáng buồn, khi 9/10 từ khóa đó thuộc lĩnh vực giải trí với hàng loạt bài hát thị trường theo trào lưu. TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cũng cảm thấy rất lo lắng trước thực tế này.
TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội)
Bà Hương nói:
Điều mà tôi có thể nhận thấy rõ nhất là người Việt Nam quá quan tâm đến các hình thức giải trí, những bộ phim hot, những chương trình đang diễn ra chứ ít quan tâm đến đời sống thật sự.
Điều này chứng tỏ người Việt có đời sống giải trí quá nghèo nàn. Nếu những vấn đề quan tâm dàn trải đều ra mọi lĩnh vực giải trí thì chắc chắn sẽ không có cảnh dân Việt chú tâm vào mấy nội dung phim ảnh nhiều đến thế này.
Điều đó cũng cho thấy rằng người Việt thật sự thờ ơ với cuộc sống thật, sống nay không biết đến mai.
Người Việt thật sự coi thường những vấn đề thời sự nổi cộm. Dường như, ai cũng nghĩ những vấn đề đó ảnh hưởng tới ai đó khác chứ không phải chính mình. Vì thế, họ vào google để giải trí cho vui thôi, mọi việc khác không cần quan tâm.
– Vì sao thế, thưa bà?
Người Việt trẻ quan tâm tới Vợ người ta hơn việc Trung Quốc xây dựng bao nhiêu đảo nhân tạo ở Trường Sa
Tôi nghĩ rằng việc quan tâm đến vấn đề giải trí mà không quan tâm đến các vấn đề nóng của xã hội là do tâm lý cho rằng việc đó không liên quan đến mình. Họ cho rằng họ không có trách nhiệm về những việc đó. Họ còn nghĩ họ có quan tâm cũng không giải quyết được gì vì họ thấp cổ bé họng.
Họ nghĩ rằng quan chức Chính phủ, lãnh đạo nhà nước sẽ là người quan tâm chứ không phải họ. Họ là dân thường nên chỉ đánh giá phê phán thôi.
– Trong khi đó tại Singapore, người dân hầu như không quan tâm đến giải trí, mà chủ yếu quan tâm đến chính trị – xã hội, công nghệ và thể thao; Người Nhật Bản bận tâm đến sức khỏe, tổ chức Nhà nước hồi giáo IS…
Những thông tin đưa ra cho thấy, người dân các nước có tầm nhìn xa hơn người dân Việt rất nhiều. Ở đây, ta sẽ không xét đoán về dân trí mà sẽ nói về tầm nhìn.
Người có tầm nhìn xa thì sẽ quan tâm đến những vấn đề nổi cộm hiện tại bởi vì nó thiết thực và ảnh hưởng lớn đến đời sống từng người, từng gia đình.
Tôi lấy ví dụ: Cách đây 20 – 30 năm, hầu như chúng ta không quan tâm đến HIV bởi vì nghĩ đó là căn bệnh của người nước ngoài. Chính việc nhìn nhận hạn hẹp đó mà giờ chúng ta phải trả giá với một tỉ lệ người mặc bệnh HIV tăng lên rất nhanh theo thời gian.
Vấn đề tổ chức hồi giáo IS hay suy thoái môi trường cũng vậy. Cách đây vài chục năm, thế giới đã lo lắng cho môi trường. Tuy nhiên, cho đến nay, người Việt chúng ta mới chỉ bảo vệ môi trường theo phong trào và cho vui chứ chưa hề quan tâm hay nghĩ rằng đó là việc mình buộc phải làm.
Với tầm nhìn hạn hẹp như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ phải trả giá rất đau đớn, đặc biệt là khi Việt Nam là một trong những nơi đầu tiên chịu thiệt hại của biến đổi khí hậu.
– So sánh giữa từ khóa tìm kiếm của Việt Nam và các nước trong khu vực, liệu có thể đưa ra nhận định ban đầu rằng người dân Việt ham chơi, ham vui?
Tôi cho rằng chưa đủ căn cứ để nhận định rằng người Việt ham chơi hơn người dân các nước khác. Điều này chỉ thể hiện sự thờ ơ của người Việt với cuộc sống và thể hiện tầm nhìn hạn hẹp mà thôi.
Còn ham chơi hay ham vui còn tùy thuộc vào từng người. Cũng có những người đi làm cả ngày, tối về họ giải trí bằng phim ảnh thông qua internet thì không thể nói họ ham chơi được.
Giới trẻ Việt thích quan tâm hơn đến Sơn Tùng M-TP thay vì những vấn đề dân sinh sát sườn
– Phải chăng người Việt (đặc biệt là giới trẻ Việt) quá yêu đời mà không lo lắng đến những vấn đề xã hội nóng ở Việt Nam và trên thế giới?
Đó không phải là yêu đời. Họ chỉ nghĩ việc này không xảy ra tại nhà của họ. Những việc đó xảy ra ở nơi nào đó xa xôi.
Thêm nữa, nhiều người bình luận các vụ việc theo lối hài hước quá đà nhiều khi làm những người khác hiểu nhầm. Từng có bình luận trên facebook nói rằng “Việt Nam là nơi an toàn nhất trên thế giới vì có mang bom đến thì cũng bị ăn cắp mất các linh kiện bom nên không thể có vụ nổ nào xảy ra”.
Chính những bình luận này đã tạo ra tâm lý coi thường các nguy cơ, nhiều người đã nghĩ là sự việc đó sẽ không bao giờ xảy ra ở Việt Nam.
– Có thể thấy, những người sử dụng internet nhiều nhất ở Việt Nam là thế hệ trẻ 8X, 9X, 10X. Vì thế, có nhiếu ý kiến cho rằng các bạn trẻ có quan tâm đến ca nhạc, phim ảnh thì cũng phù hợp với nhu cầu phát triển bình thường…
Đây thực sự là vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm. Giới trẻ, những người thực sự đang gánh vác xã hội thì lại quan tâm quá mức đến giải trí. Nhiều khi, chúng ta mặc nhiên cho rằng giới trẻ vui chơi là bình thường mà quên rằng cả xã hội này đang mong chờ sự cống hiến của chính họ để xây dựng đất nước.
Vui chơi chỉ là việc rất phụ để giải tỏa áp lực cuộc sống. Điều quan trọng là chúng ta chưa cống hiến hết mình cho công việc và đất nước, mọi việc chỉ là thực hiện những nhiệm vụ được giao chứ chưa coi đó là sứ mạng của mình với đất nước.
Điều này đã dẫn đến việc giới trẻ quan tâm đến hưởng thụ và giải trí nhiều hơn là cống hiến và lao động.
– Nhớ năm 2009, khi thông tin Việt Nam đứng đầu thế giới về tìm kiếm từ khóa “sex” trên mạng internet được công bố, nhiều người đã giật mình sửng sốt. Liệu với kết quả lần này, phải chăng văn hóa, thẩm mĩ của giới trẻ Việt cũng đang có những vấn đề lệch lạc?
Vấn đề giải trí của giới trẻ Việt đáng báo động từ lâu lắm rồi, không phải là bây giờ. Trình độ văn hóa và cảm thụ nghệ thuật của giới trẻ Việt rất thấp kém.
Nhìn vào bảng danh sách trên, ta thấy, những mối quan tâm của giới trẻ Việt tập trung vào những hình thức giải trí nổi tiếng vì tâm lý đám đông nhiều hơn là vì giá trị nghệ thuật.
Sự tò mò nảy sinh khi ai đó xem, nghe một bài hát, bộ phim nào đó khiến cho chúng ta vào Google để tìm kiếm nhiều hơn là việc chúng ta thật sự có nhu cầu.
Điều này đặt ra câu hỏi cho các nhà giáo dục và văn hóa Việt trong việc nâng cao cảm thụ nghệ thuật của giới trẻ.
– Ở góc độ nào đó, thói quen tìm kiếm trên Google có phản ánh trình độ dân trí của Việt ở thời điểm hiện tại không?
Bài hát Vợ người ta đứng đầu xu thế tìm kiếm trên Google ở Việt Nam năm 2015
Nếu bạn coi dân trí bao gồm: tầm nhìn, hiểu biết, kĩ năng, đạo đức…. thì câu này là chính xác rồi đấy. Nhưng điều mà cần lo ngại là tầm nhìn người Việt hạn hẹp chứ không phải họ không hiểu biết.
– Nếu nói dân trí của người Việt (đặc biệt là giới trẻ Việt) rất thấp cũng không phải là điều quá đáng?
Như tôi đã nói ở trên, điều này không thể hiện trình độ dân trí mà chỉ thể hiện đời sống tinh thần nghèo nàn và ý thức trách nhiệm kém cỏi.
Có thể có nhiều bạn nhận thức rõ vai trò của mình nhưng thay vì nhiệt tình cống hiến thì tìm cách chối bỏ và đùn đẩy trách nhiệm cho người khác.
Cuộc đời của một người nào đó thật sự đẹp là khi chúng ta sống hữu ích từng ngày từng giờ chứ không phải chúng ta đã chơi như thế nào và đã bình phẩm thế nào.
– Có cách nào để cuối năm 2016, khi Google công bố những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất, chúng ta sẽ thấy tình hình sáng sủa hơn không, thưa bà?
Theo tôi, giới trẻ nên dừng lại một vài năm hoặc vài tháng để làm những gì họ cho là quan trọng và hứng thú với mục đích cống hiến cho đất nước, xã hội thì chắc chắn các bạn ấy sẽ quan tâm đến tình hình đất nước nhiều hơn.
Ngoài ra, việc giảm bớt những ảnh hưởng của thiết bị điện tử cũng sẽ giúp các bạn trẻ nâng cao được tầm nhìn của mình. Khi xa rời lối sống ảo, bạn thực sự sống trong đời sống có thật, suy nghĩ của bạn sẽ thực tế hơn và tầm nhìn của bạn cũng vươn xa hơn là cách sống như hiện nay.
Tôi cho rằng việc cần phải làm là hãy thay đổi giáo dục. Tình trạng coi thường các bộ môn Lịch Sử, Địa lý, Sinh vật chính là nguyên nhân của hiện tượng thờ ơ này. Bởi vì, những bộ môn xã hội học cung cấp cho ta kiến thức và tầm nhìn cuộc sống đã bị coi nhẹ, thì giới trẻ thờ ơ với những vấn đề của đất nước là đúng rồi.
Ngoài ra chương trình giáo dục cũng nên thay đổi. Theo tôi nghĩ, nếu có những hình thức học tập hay thi cử đề cập đến cuộc sống nhiều hơn thì chắc chắn các bạn trẻ sẽ quan tâm đến đất nước hơn.