Bạn đang lo lắng về tình trạng thiếu máu sau khi thực hiện hiến máu nhân đạo? Bạn nghĩ vì sao mình nên hiến máu nhân đạo? Hiến máu có ảnh hưởng đến tình trạng máu trong cơ thể không? Nếu quyết định hiến máu nhân đạo thì cần biết những điều gì? Trong bài viết này sẽ giải đáp toàn bộ những câu hỏi đó của bạn
Tiêu chuẩn sức khỏe để hiến máu
Lượng máu của cơ thể trung bình có khoảng 77ml/kg cân nặng đối với nam, 66ml/kg cân nặng đối với nữ. Như vậy một người Việt Nam trưởng thành trung bình có khoảng từ 3, 5- 5 lít máu (bằng khoảng 1/13 trọng lượng của cơ thể).
- Người hiến máu nhân đạo phải đạt các tiêu chuẩn sau nhằm đảm bảo sức khỏe của người hiến máu và người nhận.
- Nữ đạt độ tuổi từ 18 – 55 tuổi, và nam từ 18 – 60, mang theo CMND hoặc các giấy tờ tùy thân khác
- Là người tình nguyện hiến máu nhân đạo, vì mục đích cứu sống người khác, không vì lợi.
- Không mắc các bệnh lây truyền qua máu hoặc mắc các bệnh về máu
- Lượng máu cho không quá 1/10 lượng máu của cơ thể.
- Cân nặng trên 45kg. Với người đã hiến máu an toàn hoặc cân nặng trên 50 kg, có thể hiến 350ml máu/lần.
- Với người hiến máu nhắc lại thì phải đảm bảo khoảng thời gian cách lần hiến máu trước tối thiểu là 84 ngày.
Vì sao bạn nên hiến máu nhân đạo
Bạn sẽ trở thành anh hùng
Chúng ta luôn biết rằng, cho đi chắc hẳn sẽ được nhận lại, mỗi một lần bạn tình nguyện hiến máu là bạn đã góp phần vào việc cứu lấy 3 người trưởng thành hoặc nhiều hơn là các trẻ em sơ sinh trên thế giới. Máu bạn đã tặng sẽ được phân thành các phần khác nhau tùy theo nhu cầu của bệnh nhân. Nhiều trẻ em sơ sinh có thể được cứu sống bởi chúng cần lượng máu nhỏ hơn. Máu của bạn là thứ duy nhất, không có một sản phẩm nào có thể thay thế được, một khi bạn cho đi máu của mình – tức là bạn đã trở thành anh hùng cứu sống nhiều mạng người hơn.
Kiểm tra sức khỏe miễn phí
Trước mỗi lần hiến máu nhân đạo, bạn sẽ được hưởng một loạt các bài kiểm tra sức khỏe hoàn toàn miễn phí. Chẳng hạn thông qua việc đo huyết áp bạn sẽ biết được tình trạng huyết áp của mình, được chuẩn đoán miễn phí bởi các y bác sĩ.
Sau khi hiến tặng, máu của bạn sẽ được sàng lọc và kiểm tra. Vì vậy, bạn sẽ biết sớm hơn nguy cơ mắc các bệnh.
Hiến máu giúp giảm nguy cơ ung thư
Lượng sắt quá cao đã được chứng minh là liên quan đến ung thư. Về mặt lý thuyết, hiến máu thường xuyên sẽ làm giảm nguy cơ ung thư. Nghiên cứu gần đây đã tìm ra những bằng chứng thuyết phục để chứng tỏ điều này.
Hiến máu làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim
Hiến máu thường xuyên giúp duy trì lượng sắt trong cơ thể, đặc biệt là ở nam giới. Điều này giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Mặc dù sắt là yếu tố cần thiết cho sự hoạt động tốt của cơ thể, lượng sắt cao quá mức có thể dẫn đến tổn thương oxy hóa. Tổn thương oxy hóa là thủ phạm chính dẫn đến lão hóa nhanh, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,…
Một nghiên cứu tại Đại học Florida (Mỹ) cho biết, khi hiến máu, sắt được loại bỏ nên có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Do sắt làm tăng quá trình ôxy hóa cholesterol, một quá trình làm ảnh hưởng đến các mạch máu và cuối cùng là dẫn đến bệnh tim mạch. Người thường xuyên hiến máu trong nhiều năm có thể giảm được 88% các cơn đau tim và 33% bệnh tim mạch nghiêm trọng như đột quỵ.
Hiến máu giúp đốt cháy năng lượng
Thời gian hiến máu giúp bạn đốt cháy 650 calo, từ đó giúp bạn kiểm soát cân nặng. Bạn có thể hiến máu 2-3 tháng một lần. Điều này còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bạn và hemoglobin – sắt trong máu.
Tránh ứ đọng sắt:
Mỗi lần hiến máu, lượng sắt trong cơ thể có thể không bị ứ đọng. Khi lượng sắt trong máu cao nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch càng lớn vì nó làm tăng quá trình ôxy hóa cholesterol trong cơ thể, gây tổn thương động mạch. Nhờ đó, hiến máu giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Lưu ý trước và sau khi hiến máu
Khi hiến máu nhân đạo, các bạn cần lưu ý những điều trước và sau khi hiến máu sau:
Đêm hôm trước ngày hiến máu không thức quá khuya, nên ăn nhẹ và không uống rượu bia.
Trong 2-3 ngày đầu sau hiến máu nên sinh hoạt nhẹ nhàng, nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường, tránh các hoạt động gắng sức, các trò chơi mang tính đối kháng đòi hỏi tốn nhiều thể lực: đá bóng, tập tạ, không leo trèo cao, không thức quá khuya, không uống rượu bia.
Những ngày đầu sau khi hiến máu, các chỉ số máu có thay đổi chút ít nhưng vẫn nằm trong giới hạn sinh lý bình thường không hề gây ảnh hưởng đến các chức năng sống của cơ thể.
Một số ít trường hợp những ngày sau hiến máu cảm thấy lo lắng và hơi mệt mỏi, nên bình tĩnh và yên tâm, đây chỉ là một phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể biểu hiện đang trong quá trình phục hồi và tái tạo máu. Nếu yên tâm, tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi tốt thì những biểu hiện này sẽ nhanh chóng qua đi.