Từ những cây kế thuộc họ cúc (Asteraceae) cho ta một số vị thuốc quý, trước hết là phải kể đến vị đại kế, tiểu kế và kế sữa. Những cây thuốc này đóng vai trò quan trọng trong việc chữa trị một số bệnh về huyết như cầm máu, hạ mỡ máu, trị viêm gan, xơ gan…
Đại kế
Là bộ phận trên mặt đất và rễ của cây đại kế, còn gọi là thích kế. Thu hái vào mùa hạ, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng phải tiến hành thán sao để tăng hiệu quả thu liễm, chỉ huyết của thuốc. Trong đại kế có chứa các thành phần glycosid (tiliaxin), alcaloid ở trạng thái lỏng, tinh dầu, enzym labenzym, nhựa, inulin… Nước sắc đại kế có tác dụng hạ huyết áp, ức chế sự sinh trưởng của trực khuẩn lao, trực khuẩn bạch hầu, liên cầu khuẩn… Theo y học cổ truyền, đại kế có vị ngọt, đắng, tính mát, quy kinh tâm, can, tác dụng lương huyết, chỉ huyết, khứ ứ, tiêu thũng, thông sữa.
Trị các chứng chảy máu cam, nôn ra máu, đại tiểu tiện ra máu, băng huyết, rong kinh:
dùng riêng đại kế, sắc uống với liều 9 – 15g. Uống nhiều ngày tới khi các triệu chứng thuyên giảm.
Trị băng huyết tử cung, băng kinh, rong kinh: đại kế 20g, bồ hoàng 8g (cả hai vị đều thán sao), đại táo 10 quả, nước 600ml sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Uống nhiều ngày liền tới khi các triệu chứng thuyên giảm.
Trị phù do thận, dùng ngoài trị vết thương chảy máu: đại kế rửa sạch, giã nát, đắp, băng dịt vào vết thương hoặc các mụn nhọt sưng đau. Cũng có thể dùng cây tươi, với lượng 100 – 150g, giã nát, vắt lấy dịch uống. Khi uống thuốc cần kiêng các thức ăn mang tính kích thích, cay nóng như rượu bia, ớt, hạt tiêu, rau răm, tỏi…
Tiểu kế
Là bộ phận thu hái trên mặt đất của cây tiểu kế, còn gọi là thích thái. Thu hái vào mùa hạ và mùa thu, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng phải thán sao tương tự như vị đại kế. Tiểu kế chứa alcaloid, saponosid,… Về mặt sinh học, tiểu kế có tác dụng rút ngắn thời gian chảy máu sau chấn thương, gây tăng huyết áp, chống viêm khớp, trấn tĩnh, hưng phấn tử cung, ức chế nhiều loại vi khuẩn: trực khuẩn bạch hầu, phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn tan máu, tụ cầu khuẩn. Theo y học cổ truyền, tiểu kế có vị đắng, ngọt, tính mát, quy kinh can, tâm, có tác dụng lương huyết, chỉ huyết, khứ ứ, tiêu thũng. Dùng trị các chứng như chảy máu cam, nôn ra máu, đại tiểu tiện ra máu, băng huyết, rong kinh.
Dùng ngoài khi có vết thương chảy máu, mụn nhọt đinh độc sưng đau: tiểu kế sắc uống với liều 4,5 – 9g. Uống nhiều ngày tới khi các triệu chứng thuyên giảm. Hoặc phối hợp với các thuốc lương huyết, dưỡng âm để tăng thêm hiệu quả.
Để thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết: trong trường hợp huyết nhiệt của chứng huyết ứ và tiểu tiện ra máu, có thể dùng tiểu kế, bồ hoàng, ngẫu tiết (ngó sen), cả ba đều thán sao; hoạt thạch, mộc thông, sinh địa, đương quy, chi tử, đạm trúc diệp, đồng lượng. Tất cả nghiền bột thô, mỗi lần hãm hoặc sắc 12g, uống ngày 2 – 3 lần trước bữa ăn. Uống nhiều ngày tới khi các triệu chứng thuyên giảm. Khi dùng cần kiêng các thức ăn mang tính kích thích, cay nóng như rượu bia, ớt, hạt tiêu, rau răm, tỏi…
Kế sữa
Còn gọi là cây cúc gai. Kế sữa chứa flavonolignan (silymarin) hàm lượng tới 70 – 80%, chủ yếu ở hạt và quả. Về tác dụng sinh học, silymarin có tác dụng ức chế viêm gan virut C; hạ cholesterol máu, đặc biệt làm tăng cholesterol có lợi (HDL); chống ôxy hóa, giúp tế bào gan tránh khỏi bị hủy hoại do viêm gan. Trên lâm sàng, người ta sử dụng kế sữa dưới dạng tinh chất silymarin để trị các bệnh viêm gan do virut, viêm gan hoàng đản, xơ gan, khôi phục chức năng gan ở những bệnh nhân viêm gan do uống nhiều bia, rượu, mỡ máu tăng cao. Ngoài ra còn dùng để hỗ trợ chống ung thư gan, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt. Dùng silymarin đơn độc hoặc phối hợp với các vị thuốc nhân trần, diệp hạ châu, ngũ vị tử, curcumin từ nghệ để tăng hiệu quả trong điều trị các bệnh về gan, mật.
GS.TS. Phạm Xuân Sinh