Cây mộc qua có tên khoa học là Chaenomeles lagenaria Lois Koidz, thuộc họ hoa hồng (Rosaceae). Bộ phận dùng làm thuốc là quả chín già phơi khô, được bổ làm đôi hay bốn mảnh, khi khô có màu hồng tím; mặt trong có các ô chứa hạt, phần lớn hạt đã rụng đôi khi còn sót lại, hạt màu nâu đỏ, hình 3 cạnh, trong chứa nhân. Mộc qua chứa đường (fructose, glucose, sacrose, sorbitol…), các axit hữu cơ (axit glutamic, axit malic, citric…), saponin, tanin, flavonoid…
Theo Đông y, mộc qua có vị chua chát (sáp), tính hơi ôn. Vào các kinh: tỳ, vị, can, phế. Có công năng thư can hòa vị, khu phong trừ thấp, thư cân hoạt lạc tiêu thực chỉ thống. Mộc qua được dùng cho các trường hợp phong thấp đau sưng khớp, phù chân, đau do bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng, rối loạn tiêu hóa tiêu chảy. Liều dùng: tươi 50 – 100g, khô 6 – 20g; dưới dạng nấu sắc, ngâm ướp.
1. Một số cách dùng mộc qua làm thuốc:
Trừ thấp giảm đau: Mộc qua 63g, ngũ gia bì 63g, uy linh tiên 20g. Tất cả nghiền thành bột. Uống 12g, chiêu bằng nước và rượu thay đổi. Trị các chứng bệnh tê thấp, cước khí, bắp chân sưng phù to, nặng, tê bại, mềm nhũn, mất sức, đái ít, rêu lưỡi nhờn trắng, mạch nhu hoãn; ngoài ra còn trị thương tích do ngã, đòn đánh, đối với chân đau nhức có hiệu quả tốt.
Rượu mộc qua tang chi: Mộc qua 30g, tang chi 50g. Nghiền vụn, ngâm trong 500ml rượu khoảng 30 ngày. Mỗi lần uống 1 chén nhỏ. Dùng cho các trường hợp đau nhức cơ khớp, đau mỏi toàn thân do các yếu tố phong hàn thấp.
Giãn gân chỉ kinh (khỏi co rút): Mộc qua 20g, ngô thù 8g, hồi hương 8g, gừng tươi 8g, tía tô 8g. Sắc uống. Trị viêm dạ dày, viêm ruột cấp tính, nôn mửa, tiêu chảy, co thắt cơ ruột gây nôn.
Mộc qua 12g, gừng tươi 9g, ý dĩ 30g. Sắc uống. Dùng cho các trường hợp nôn thổ tiêu chảy, đau bụng, rối loạn tiêu hóa.
Rượu mộc qua: Mộc qua 120g, xuyên khung 40g, ngưu tất 40g, đương quy 40g, thiên ma 40g, ngũ gia bì 40g, hồng hoa 40g, tục đoạn 40g, bạch gia căn 40g, ngọc trúc 40g, tần giao 20g, phòng phong 20g, tang chi 16g. Các vị tán bột thô, ngâm với 15 lít rượu trắng; sau 1 tuần khuấy đảo 1 lần. Sau 1 tháng lọc và ép bã lấy rượu; cho thêm 1.300g đường phèn, khuấy cho tan. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 20 – 40g. Trừ thấp, tán hàn, đuổi phong, giảm đau. Chữa phong tê thấp, tay chân co quắp, đau nhức, mắt méo xệch. Phụ nữ có thai không được dùng.
2. Một số món ăn – bài thuốc có mộc qua:
Cháo mộc qua: Mộc qua 20g, gạo 50g. Nấu mộc qua với 200ml nước còn 100ml, cho gạo và thêm 300ml nước nấu thành cháo loãng, thêm đường trắng lượng vừa ăn. Ăn nóng, ngày 2 – 3 lần. Dùng cho các trường hợp bị tiêu chảy do nắng nóng ẩm thấp, co giật tay chân phù chân, các chứng phong hàn thấp tý.
Lươn hầm mộc qua: Mộc qua 12g, lươn 200g, rau bí ngô 50g; hành, gừng tươi và gia vị thích hợp. Lươn làm sạch cắt đoạn, mộc qua và rau bí dùng vải xô gói lại, thêm gừng hành tươi; hầm chín, cho gia vị vừa ăn, ăn khi nóng. Ngày 1 lần. Đợt dùng 5 – 7 ngày. Công dụng: dùng cho các trường hợp chảy mủ tai, đầy bụng, tiêu chảy.
TS. Nguyễn Đức Quang