Ðau dây thần kinh hông (còn gọi đau thần kinh tọa) thuộc phạm vi chứng tọa cốt phong của y học cổ truyền. Bệnh thường gặp ở tuổi trung niên, nam mắc nhiều hơn nữ. Bệnh do nhiều nguyên nhân ở dây thần kinh hoặc rễ thần kinh như do nhiễm khuẩn, nhiễm độc, do lạnh, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, do khối u, lao cột sống…
Đau dây thần kinh hông do nguyên nhân thực thể như lao, thoát vị đĩa đệm, khối u, viêm cột sống… thường phải điều trị chuyên khoa. Y học cổ truyền có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả đối với những trường hợp do phong hàn, phong hàn thấp tý. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo:
Đau dây thần kinh hông do lạnh, trúng phong hàn ở kinh lạc:
Người bệnh có biểu hiện đau vùng thắt lưng, đau lan xuống mông, mặt sau đùi, cẳng chân, đi lại khó khăn (chưa teo cơ), sợ lạnh, rêu lưỡi trắng, mạch phù. Phương pháp chữa là khu phong tán hàn, hành khí, hoạt huyết. Dùng một trong các bài thuốc:
Bài 1:rễ lá lốt 12g, thiên niên kiện 12g, cẩu tích 16g, quế chi 8g, ngải cứu 8g, chỉ xác 8g, trần bì 8g, ngưu tất 12g, xuyên khung 12g. Sắc uống ngày 1 thang
Bài 2: độc hoạt 12g, phòng phong 8g, uy linh tiên 12g, đan sâm 12g, tang ký sinh 12g, quế chi 8g, tế tân 8g, chỉ xác 8g, trần bì 8g, ngưu tất 12g, xuyên khung 12g. Sắc uống ngày 1 thang
Kết hợp châm cứu hoặc day bấm các huyệt: đại trường du, trật biên, hoàn khiêu, thừa phù, thừa sơn, giải khê, côn lôn. Thủy châm vitamin B12 vào các huyệt trên.
Đau dây thần kinh hông do phong hàn thấp tý:
Người bệnh có biểu hiện đau vùng thắt lưng cùng, lan xuống chân theo dọc đường đi của dây thần kinh hông to, teo cơ, bệnh kéo dài, dễ tái phát, thường kèm theo triệu chứng toàn thân, ăn kém, ngủ ít, mạch nhu hoãn, trầm nhược. Phép chữa là khu phong tán hàn, trừ thấp, hoạt huyết, bổ can thận, nếu teo cơ phải bổ khí huyết. Dùng một trong các bài thuốc:
Bài 1: thục địa 12g, cẩu tích 12g, tục đoạn 12g, tang ký sinh 16g, ngưu tất 12g, đẳng sâm 12g, ý dĩ 12g, bạch truật 12g, hoài sơn 12g, tỳ giải 12g, hà thủ ô 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Thục địa là rễ cây địa hoàng đã chế biến
Bài 2: Độc hoạt ký sinh thang gia giảm: độc hoạt 12g, tang ký sinh 12g, phòng phong 8g, tế tân 6g, quế chi 6g, ngưu tất 12g, đỗ trọng 8g, đẳng sâm 12g, phục linh 12g, cam thảo 8g, bạch thược 12g, đương quy 12g, thục địa 12g, đại táo 12g. Sắc uống ngày 1 thang
Bài 3: Ý dĩ nhân thang: ý dĩ nhân 16g, khương truật 8g, độc hoạt 8g, khương hoạt 8g, quế chi 8g, gừng 4g, cam thảo 6g, đại táo 12g, đỗ trọng 8g, phụ tử chế 8g. Sắc uống ngày 1 thang
Bài 4: Bổ thận thang gia giảm: thục địa 12g, đỗ trọng 12g, tang ký sinh 16g, cẩu tích 16g, phòng kỷ 12g, kỷ tử 12g, bổ cốt chỉ 8g, thỏ ty tử 12g, tục đoạn 12g, khương hoạt 8g, độc hoạt 8g, thương truật 8g. Sắc uống ngày 1 thang
Cách dùng: Uống thuốc sắc đến khi hết đau, tiếp theo dùng bài thuốc ngâm rượu (2 lít rượu/1 trong các thang thuốc trên), ngày uống 40ml chia 2 lần, uống trong 3 – 6 tháng
Vị trí các huyệt:
Huyệt đại trường du: dưới gai sống thắt lưng 4, đo ngang ra 1, 5 tấc
Huyệt trật biên: ngang lỗ xương cùng thứ 4, cách đốc mạch 3 tấc, cách trung lữ du 1,5 tấc
Huyệt hoàn khiêu: nằm nghiêng co chân đau ở trên, chân dưới duỗi thẳng, huyệt ở vị trí 1/3 ngoài và 2/3 trong của đoạn nối điểm cao nhất của mấu chuyển lớn xương đùi và khe xương cùng. Hoặc nằm sấp, gấp chân vào mông, gót chân chạm mông ở đâu, đó là huyệt
Huyệt thừa phù: điểm giữa nếp lằn chỉ mông
Huyệt thừa sơn: nằm ở giữa bắp chân phía sau
Huyệt giải khê: nằm ở chỗ lõm giữa nếp gấp cổ chân
Huyệt côn lôn: ở chỗ lõm giữa điểm cao nhất của mắt cá ngoài và bờ sau gân gót
Theo Xaluan