Cây chó đẻ răng cưa có tên khoa học là Phyllanthus urinaria L., Họ Thầu dầu – Euphorbiaceae hay nhiều người gọi cây chó đẻ răng cưa là Chó đẻ thân xanh; Diệp hạ châu trắng.
Đặc điểm thực vật, phân bố của cây chó đẻ răng cưa: Cây chó đẻ răng cưa là cây thảo, cao 40cm, lá mỏng màu lục, mốc mặt dưới, mọc so le như một lá kép với nhiều lá chét. Hoa đơn, xanh nhạt, nhỏ. Quả nang hình cầu, đường kính khoảng 2mm, mọc thành hàng dọc cành nên có tên “Diệp hạ châu”, mọc dưới lá, mỗi quả có 3 mảnh vỏ, trong mỗi mảnh chứa 2 hạt nhỏ hình tam giác. Chó đẻ răng cưa mọc hoang dại khắp nơi trong các vùng, ven bờ ruộng, nương rẫy, chưa được gieo trồng.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến của cây chó đẻ răng cưa: Dùng toàn cây chó đẻ răng cưa, thu hái vào mùa hè, lúc quả xanh chắc, rửa sạch, dùng tươi giã nát vắt lấy nước cốt để uống, bã đắp vết thương hoặc phơi trong râm cho khô để dùng dần.
Công dụng, chủ trị cây chó đẻ răng cưa: Vị đắng, ngọt, mát, có tác dụng sát trùng, tiêu viêm mụn nhọt, vết sưng do côn trùng đốt; lợi tiểu tiện, bảo vệ gan, điều hòa kinh nguyệt, lợi sữa, chữa tiêu chảy, viêm ruột.
Liều dùng cây chó đẻ răng cưa: Dạng tươi 40 – 80g/ lần, dùng nhiều ngày đến khi khỏi hẳn bệnh mà không sợ bị độc.
Dùng khô 40g, sắc uống ngày 3 lần.
Bài thuốc có cây chó đẻ răng cưa:
Chữa viêm gan cấp hoặc mãn mức độ vừa và nhẹ, xét nghiệm HbsAg (+): cây chó đẻ răng cưa 40g, chua ngút 15g, cỏ nhọ nồi 15g, nước 3 bát (600ml) sắc lấy 1 bát (200ml), chia làm 3 lần uống trong ngày, điều trị nhiều đợt đến khi khỏi bệnh.
Chữa xơ gan cổ trướng thể nặng: cây chó đẻ răng cưa đắng sao khô 100g sắc nước 3 lần. Trộn chung nước sắc, thêm 150g đường, đun sôi cho tan đường, chia nhiều lần uống trong ngày (thuốc rất đắng), liệu trình 30-40 ngày. Khẩu phần hàng ngày phải hạn chế muối, tăng đạm (thịt, cá, trứng, đậu phụ).
Thị trường đang lưu hành thuốc Liv – 94 là chế phẩm từ bài thuốc trên, phù hợp với điều kiện Việt Nam, có thể nghiên cứu ứng dụng tại tuyến cơ sở.