Cây dền gai (tên khoa học amaranthus spinosus) vị ngọt, nhạt, tính hơi lạnh, được dùng để lợi tiểu, điều kinh, chữa viêm đường hô hấp, long đờm, giảm ho, dùng ngoài chữa mụn nhọt, chốc lở. Theo sách Thảo dược Quảng Đông, cây có tác dụng chữa rắn cắn. Có thể dùng rễ, thân, lá, hạt để làm thuốc.
Một số bài thuốc Nam thường dùng:
– Rắn cắn: Hạt rau dền gai 5 g (1 muỗng đầy), phèn chua 0,5 g. Cả hai thứ đem giã nát, chia hai phần, một phần để uống, chiêu thuốc với rượu hoặc nước ấm (rượu dẫn thuốc nhanh hơn). Phần còn lại đem đắp lên vết cắn. Cần kết hợp với hút nọc rắn tại vết cắn.
– Ung nhọt chưa vỡ mủ, đau nhức: Rễ rau dền gai giã nát, đắp lên ung nhọt, có tác dụng làm nhanh vỡ mủ.
– Bỏng: Thân, lá cây rau dền gai rửa sạch, giã nát, đắp lên vết bỏng.
– Ho đờm: Thân, lá cây rau dền gai 50-100 g, giã nát, vắt lấy nước uống. Hoặc dùng thân, lá cây rau dền gai 50 g, lá bồng bồng 20 g, kim ngân hoa 20 g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần. Hoặc dùng thân, lá cây rau dền gai 50 g, lá húng chanh 16 g, vỏ rễ dâu tằm 16 g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần.
– Viêm họng: Thân, lá cây rau dền gai, lượng vừa đủ, thêm một ít muối hạt, 1-3 lát gừng tươi. Tất cả nhai nát, nuốt nước dần. Ngày nhai ngậm 1-2 lần.
– Chữa lỵ: Thân, lá cây rau dền gai 100 g. Sắc uống ngày một thang. Hoặc dùng thân, lá cây rau dền gai 50 g, rau sam 30 g. Nấu canh ăn ngày 1-2 lần.
BS Kim Ngân, Sức Khỏe & Đời Sống