Có rất nhiều loại bằng lăng, song hiện nay người ta chỉ dùng bằng lăng tía làm thuốc chữa bệnh và đã chữa trị được nhiều bệnh hiệu quả. Bằng lăng tía còn tên gọi là săng lẻ, bằng lăng ổi, rơ pha… Tên khoa học là Lagerstroemia Calyculata Kurz thuộc họ tử vi (lythraceae).
Theo y học cổ truyền, bằng lăng tía là vị thuốc có tác dụng kháng khuẩn rất mạnh. Dược liệu có mùi thơm, chát, không độc. Bộ phận được thu hoạch dùng làm thuốc chủ yếu là vỏ thân cây bằng lăng tía. Có thể thu hoạch quanh năm nhưng tốt hơn cả vẫn là mùa thu. Vỏ cây được thu hoạch về đem cạo sạch vỏ ngoài rồi phơi hay sấy khô, bảo quản để sử dụng dần.
Dưới đây xin giới thiệu những phương thuốc trị liệu từ cây bằng lăng tía.
Chữa nấm hắc lào: Lấy vỏ thân cây bằng lăng tía 20 – 30g, thái nhỏ ngâm trong cồn 60 độ. Để sau 10 – 15 ngày lấy bông thấm nước này bôi lên nơi bị hắc lào, ngày bôi 2 – 3 lần. Bôi đến khi khỏi.
Chữa tiêu chảy, kiết lỵ: Vỏ thân cây bằng lăng 150 – 200g, phơi khô, tán bột sắc lấy nước thuốc uống. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 6g.
Chữa bỏng da nhẹ: Vỏ bằng lăng tía tươi 300g, lấy 100g sắc lấy nước đặc để rửa vết bỏng, còn lại 200g cô đặc thành cao lỏng, ngày bôi 2 – 3 lần lên vết bỏng.
Nguồn: suckhoedoisong