Quả ớt vị cay, tính nóng, có tác dụng tiêu đờm, ôn trung, tán hàn, giải biểu, kiện vị, tiêu thực, gây sung huyết, kích thích chung, thông kinh lạc, giảm đau, sát trùng. Rễ ớt có tác dụng làm hoạt huyết, tán thũng. Lá ớt có vị đắng, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu.
Quả ớt trị tỳ vị hư lạnh, tiêu chảy, nôn mửa, dạ dày ruột đầy trướng, mất trương lực, tích trệ, ăn không tiêu, đau nhức nửa đầu, đau lưng, đau khớp, thống phong, đau dây thần kinh, viêm thanh quản, viêm họng. Người đau dạ dày, tạng nhiệt, máu nóng không dùng ớt.
Các bài thuốc cụ thể:
Chữa đau lưng, thấp khớp, đau dây thần kinh: Quả ớt giã nát, ngâm rượu với tỷ lệ 1/2 (một phần ớt tươi, 2 phần rượu) dùng xoa bóp. Có thể lấy hạt ớt phơi khô, tán bột viên làm cao dán (dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác)…
Chữa trúng phong, răng cắn chặt: Lá ớt tươi (loại ớt chỉ thiên) 30-50 g, giã nát, thêm nước và ít muối, đổ nước vào miệng còn bã đắp vào răng, người bệnh sẽ tỉnh lại.
Chữa sốt rét: Lá ớt tươi 30 g giã nát, hòa với nước đun sôi để nguội, chắt nước cốt uống trước khi lên cơn sốt 2 giờ. Ngày 1 lần, dùng trong 5-7 ngày liền.
Chữa phù thũng: Lá ớt tươi 30-40 g, sao vàng, sắc uống trong ngày.
Chữa rắn rết cắn, côn trùng đốt: Ớt tươi 15 quả, lá đu đủ 3 lá, rễ ớt chỉ thiên 80 g, tất cả giã nát, thêm nước, gạn nước uống, bã dùng đắp lên vết cắn. Nếu là rết và côn trùng đốt dùng lượng ít hơn. Có thể dùng riêng lá ớt tươi lượng vừa đủ giã nát, đắp vào vết cắn. Sau 15-30 phút nếu còn đau nhức làm thêm lần nữa.
Chữa eczema: Lá ớt tươi 30 g, me chua 20 g, hai thứ giã nát đắp, dùng 5-10 ngày là khỏi.
Chữa mụn nhọt, đinh độc, vết thương: Lá ớt, lá na, lá bồ công anh, lá tử vi, lá táo mỗi thứ 10-20 g, giã nát với một ít muối, đắp. Hoặc: Lá ớt, cành xương rồng bà có gai, lá mồng tơi mỗi thứ 5-10 g, giã nát nhuyễn, đắp.
Chữa đau bụng kinh niên: Rễ ớt, rễ chanh, rễ xuyên tiêu mỗi thứ 10 g sao vàng, sắc uống trong ngày, dùng nhiều ngày.
BS Hương Tú, Sức Khỏe & Đời Sống