Rau mọi hay còn gọi là lộc mại, lục mại, mọi trắng, bọ nẹt. Là loại cây nhỏ, phân nhiều cành nhỏ, dễ gãy. Lá đơn, đa dạng, mọc so le, hình bầu dục hoặc hình mác thuôn dài, gốc tròn đầu nhọn, hai mặt nhẵn, mép có răng cưa, có hai hạch nhỏ ở chỗ tiếp giáp với phiến lá, lá kèm nhỏ, có lông. Lá non màu hồng đỏ. Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành bông đơn tính.
Cụm hoa đực mọc thành bông dài, thõng xuống, hoa có cuống, hoa cái nhỏ li ti mọc đơn độc hay thành từng đôi, bầu hình cầu, rất nhẵn. Quả ba mảnh vỏ, trên mặt có những gai nhỏ, ngắn. Cây mọc chồi và ra nhiều lá non từ cuối mùa xuân cho đến hết mùa hè. Mùa ra hoa quả tháng 5 – 8.
Cây thường mọc hoang ở khắp các vùng rừng núi, trung du và đồng bằng, mọc rải rác ở dưới chân đồi, ven nương rẫy, ven đường đi hoặc trên các nương rẫy cũ do đất cằn bỏ hoang lâu ngày. Để làm thuốc dân gian thường dùng lá thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô. Một số địa phương còn dùng lá non nấu canh ăn.
Theo Đông y, rau mọi có vị ngọt nhạt, tính bình, có tác dụng nhuận tràng (liều nhỏ), tẩy (liều lớn), tiêu độc, sát trùng.
Một số bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian
– Chữa táo bón, tiêu hóa kém: Hái lá rau mọi tươi, rửa sạch, hong khô giã nát, cho vào miếng vải sạch, nước đun sôi để nguội nhúng vắt lấy 30ml nước cốt, mật ong 30g, trộn đều, đun sôi để nguội. Lọc lại lần nữa, chia 2 lần uống trong ngày, sau ăn 15 phút. Dùng liền 5 ngày.
– Chữa đau lưng do thay đổi thời tiết: Rau mọi 15g, ngũ gia bì gai 30g, mò mâm xôi 30g, rửa sạch, cho 500ml nước đun nhỏ lửa còn 150ml nước, chia 2 lần uống trong ngày, uống lúc còn ấm. Uống liền 3 – 5 ngày.
– Chữa lở ngứa do nóng, nước ăn chân: Rau mọi 40g lá tươi, rửa sạch, cho 800ml nước đun sôi 15 phút, để nước ấm ngâm rửa.
Lưu ý: Do thể trạng mỗi người khác nhau, liều lượng có thể gia giảm nên cần có chỉ định của nhà chuyên môn. Người cơ thể suy nhược, thai phụ không dùng.
Lương y Hữu Đức