Rối loạn chức năng hậu môn trực tràng là một trong những bệnh thường gặp ở vùng hậu môn trực tràng. Bệnh này biểu hiện các triệu chứng như táo bón, đại tiện lỏng, táo bón xen kẽ đại tiện lỏng hoặc đại tiện không tự chủ do nhiều nguyên nhân gây ra. Tuy bệnh không ảnh hưởng nặng nề và gây nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhân như các bệnh tim mạch, ung thư… nhưng nó ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Theo Y học cổ truyền, rối loạn chức năng hậu môn trực tràng thuộc phạm vi chứng táo kết, tiện bí, tật lỵ, tiết tả… và do nhiều nguyên nhân như bẩm tố, âm hư, huyết nhiệt. Các phương pháp điều trị theo Y học cổ truyền bao gồm uống thuốc, ẩm thực liệu pháp, châm cứu, xoa bóp, dưỡng sinh. Và cũng theo từng thể bệnh mà có các bài thuốc điều trị phù hợp. Sau đây là một số bài thuốc trị theo từng thể bệnh:
1. Thể tỳ vị hư hàn:
Triệu chứng: mệt, sắc mặt vàng nhợt, phân nát lỏng, chất lưỡi nhạt, mạch nhu hoãn.
Phép chữa là kiện tỳ trợ vận. Bài thuốc: đẳng sâm 12g, bạch truật 12g, biển đậu 12g, ý dĩ sao12g, trần bì 6g, liên nhục 12g, cát cánh 12g cam thảo 4g. Sắc uống ngày uống 1 thang chia 3 lần, uống ấm trước hoặc sau ăn 1giờ. Đây là bài thuốc có tên là “Sâm linh bạch truật tán”.
2. Thể thấp nhiệt
Triệu chứng: đại tiện nhiều lần, hậu môn rát đỏ, rêu lưỡi vàng, tiểu ít, bụng đau, mạch sác… Phép chữa là thanh nhiệt hóa thấp phương hương hóa trọc.
Bài thuốc: Bao gồm các vị thuốc: cát căn 12g, hoàng liên 8g, hoàng cầm 8g, nhân trần 12g, kim ngân hoa 12g, cam thảo 4g, hoắc hương 8g, mộc thông 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, uống ấm trước hoặc sau ăn 1 giờ. Đây là bài thuốc tên “Cát căn cầm liên thang gia giảm”.
3. Thể thận dương hư hay mệnh môn hỏa suy
Triệu chứng: hay sôi bụng, lạnh bụng, đau bụng vùng hạ vị, người lạnh, chân tay lạnh, phân lỏng nát, mạch trầm tế nhược. Phép chữa là ôn bổ tỳ thận dương hư, cố sáp.
Bài thuốc: phụ tử chế 4g, đảng sâm 12g, bạch truật 12g, can khương 4g, chích thảo 4g, phá cố chỉ 8g, ngô thù 6g, nhục đậu khấu 8g, ngũ vị tử 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, uống ấm trước hoặc sau ăn 1giờ. Đây là bài thuốc “Phụ tử lý trung thang + Tứ thần hoàn”
4. Thể âm hư, huyết nhiệt
Triệu chứng: táo bón lâu ngày, miệng họng khô, lưỡi đỏ, ít rêu, háo khát, mạch tế… Phép chữa là lương huyết nhuận táo, dưỡng âm nhuận táo.
Bài thuốc “Ma tử nhân hoàn”: ma tử 12g, hạnh nhân 8g, bạch thược 12g, đại hoàng 10g, hậu phác 12g, chỉ thực 6g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, uống ấm trước hoặc sau ăn 1 giờ.
5. Thể huyết hư
Triệu chứng: da xanh, niêm mạc nhợt, táo kết kéo dài, lưỡi nhợt, mạch tế nhược.
Phép trị là bổ huyết nhuận táo. Sử dụng bài thuốc “Tứ vật thang gia giảm”: thục địa 12g, đương quy 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 8g, bá tử nhân 12g, ma nhân 12g, đại táo 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, uống ấm trước hoặc sau ăn 1 giờ.
6. Thể khí trệ
Gặp ở người ít vận động, ốm nằm lâu ngày… Phép trị là kiện tỳ, hành khí, nhuận tràng.
Bài thuốc: đảng sâm 12g, bạch truật 12g, hậu phác 6g, chỉ thực 6g, đại hoàng 10g, ma nhân 12g, bạch linh 12g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, uống ấm trước hoặc sau ăn 1 giờ.
7. Thể khí hư
Triệu chứng: táo kết, cơ nhão, người mệt mỏi, đầy bụng, chậm tiêu, mạch hoãn.
Phép chữa là: ích khí nhuận tràng. Bài thuốc bao gồm các vị thuốc: hoàng kỳ 12g, bạch truật 12g, đảng sâm 12g, đương quy 12g, trần bì 6g, cam thảo 4g, sài hồ 12g, thăng ma 12g, nhục thung dung 8g, bá tử nhân 10g, ma nhân 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, uống ấm trước hoặc sau ăn 1 giờ. Đây là bài thuốc có tên gọi là “Bổ trung ích khí gia giảm”
Người già dương khí kém có các triệu chứng táo bón, sợ lạnh, chân tay lạnh, ăn kém, tiểu đêm, tiểu nhiều, đau lưng mỏi gối, mạch trầm tế thì dùng pháp ôn thông nhuận tràng.
PGS.TS.TTND. Trần Quốc Bình – Giám đốc BV Y học cổ truyền TW