Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (TNDD-TQ) còn có tên gọi khác là viêm thực quản trào ngược, là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên của dịch dạ dày lên thực quản. Chứng bệnh này thuộc đường tiêu hóa, chủ yếu là xảy ra những rối loạn tăng kích thích ở ống tiêu hóa. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày – thực quản, đó là: do thần kinh bị căng thẳng, do thức ăn lạ, thức ăn không phù hợp, do mộc khắc thổ quá mạnh, do tỳ khí, vị khí không được điều hòa… Ứng với từng thể bệnh mà có những bài thuốc hữu hiệu, chúng tôi xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo và áp dụng:
1. Trào ngược dạ dày – thực quản do thần kinh căng thẳng (stress):
Biểu hiện: bị sang chấn về thần kinh gây đau vùng thượng vị, nhịp điệu co bóp của dạ dày bị rối loạn, sinh ra ợ hơi, ợ nóng, khí ở trung tiêu ngược lên, vùng ngực và vùng thượng vị bức bách kèm theo khó thở, ăn ít, tiêu hóa trì trệ, bụng đầy hơi…
Bài thuốc: Hoài sơn, liên nhục, cát căn mỗi vị 16g, hắc táo nhân 20g, viễn chí 12g, bán hạ chế 10g, ngưu tất 16g, trần bì 12g, chỉ xác 10g, phòng sâm 20g, bạch truật 16g, cam thảo 12g, sắc uống 2 ngày 1 thang, ngày uống 2 lần sau bữa ăn.
2. Trào ngược dạ dày – thực quản do thức ăn lạ, thức ăn không phù hợp
Biểu hiện: khi gặp thức ăn lạ, thức ăn không phù hợp, bộ máy tiêu hóa có ngay những phản ứng ở mức độ khác nhau, người bệnh ợ hơi, buồn nôn hoặc nôn, bụng đầy hơi, đau từng cơn hoặc đau liên miên, khí ở trung tiêu chạy ngược, vùng thượng vị đầy tức khó chịu…
Bài thuốc: cây ngũ sắc 16g, bạch truật 16g (cả hai đem sao vàng hạ thổ), tía tô 16g, xương bồ 12g, hoàng kỳ 15g, hoài sơn 16g, biển đậu 16g, chỉ xác 10g, trần bì 10g, đương quy 12g, sâm đại hành 16g, lá đắng 16g, lá lốt 12g, sinh khương 4g. Sắc uống 2 ngày một thang, ngày uống 2 lần sau bữa ăn. Có tác dụng: giải độc, bổ tỳ vị, nhuận khí, lập lại môi trường hòa bình cho bộ máy tiêu hóa.
Lương y Trịnh Văn Sỹ