Hoa mật mông (Buddleja officinalis Maxim) là một loại cây nhỏ, có tên gọi khác là bọ chó, thuộc họ mã tiền (Loganiaceae). Thân và cành non có lông đơn màu nâu đỏ hoặc trắng nhạt và nhiều lông tuyến. Lá mọc đối, hình mác thuôn, dài 6-10cm, rộng 2-4cm, mép nguyên hoặc hơi khía răng, mặt trên nhẵn màu lục sẫm, mặt dưới có lông màu trắng nhạt. Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành xim phân nhánh dài 15cm, hoa rất nhiều, màu vàng ngà. Cây mọc tự nhiên ở ven rừng, bờ nương rẫy.
Bộ phận dùng làm thuốc là cụm hoa, thu hái lúc hoa chưa nở, phơi hoặc sấy khô.
Theo y học cổ truyền, hoa mật mông có vị ngọt, mát, tính bình, không độc, có tác dụng làm sáng mắt, nhuận gan, chủ trị các bệnh về mắt. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác trong những trường hợp sau:
Chữa đau mắt sưng đỏ, chảy nhiều nước mắt: Hoa mật mông 9g; cúc hoa, kinh giới, long đởm thảo, phòng phong, bạch chỉ mỗi vị 4g; cam thảo 2g. Tất cả thái nhỏ, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống làm 1 lần trong ngày. Hoặc hoa mật mông 12g; cúc hoa 12g; hạt mào gà trắng 12g; hoàng đằng 8g. Sắc hoặc ngâm rượu uống.
Ðau mắt đỏ, sợ chói, chảy nước mắt: Mật mông hoa, Cúc hoa và hạt Mào gà mỗi vị 12g, Hoàng đằng 8g, sắc uống.
Chữa quáng gà, thong manh, mắt khô mờ: Hoa mật mông 6g, cốc tinh thảo 6g, dạ minh sa 5g, thảo quyết minh 10g, cam thảo 3g. Sắc uống ngày 1 thang. Hoặc hoa mật mông, hạt mã đề, hạt muồng sao, cốc tinh thảo mỗi vị 20g. Sắc với nước rồi mài thạch quyết minh (vỏ ốc chín lỗ) vào mà uống.
Chữa bệnh dịch đau mắt đỏ do thời khí ôn nhiệt, gây ngứa mắt, nhức đầu, sốt: Hoa mật mông, bạc hà, kinh giới, hạt muồng sao, dành dành, huyền sâm, vỏ núc nác, ngưu tất, mạch môn mỗi vị 12g. Sắc uống trong ngày.
Theo SK&ĐS