Dây gân hay còn gọi là dây đòn kẻ trộm, dây đòn gánh, dây con kiến, dây râu rồng, đơn tai mèo, hạ quả đằng, người Mường gọi là seng thanh… tên khoa học là Gouania leptostachya DC, thuộc họ Táo ta.
Là loại dây leo dài; cành non nhẵn, màu nâu sau đó xám nhạt. Lá hình bầu dục, như hình tim ở gốc, có mũi nhọn ở đầu, mép khía răng, nhẵn, gân mảnh nổi rõ ở mặt dưới; lá kèm rất dễ rụng; cuống lá hơi có khía rãnh ở mặt trên. Cây mọc hoang, thường gặp ở những nơi dãi nắng, ven đường, ven rừng, ven khe suối, đồi trọc, bãi hoang. Bộ phận dùng làm thuốc là lá dây thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.
Theo y học cổ truyền, dây gân có vị chát, hơi đắng, tính mát. Có tác dụng hoạt huyết (thông mạch, làm tan máu ứ), thanh nhiệt, tiêu viêm, giảm đau. Được dùng làm thuốc chữa bị thương, chữa bỏng; kinh nguyệt không điều hòa; phong thấp, đau ngang thắt lưng, hoặc gánh vác quá nặng, đau sụn xương sống, cơ hông… Cây được sử dụng rộng rãi trong nhân dân, theo kinh nghiệm dân gian thường dùng cây này giã nhỏ thêm rượu xoa bóp vào những nơi sưng tấy, đau nhức, chỗ bị thương do ngã.
Một số cách sử dụng dây gân:
Bài 1: Chữa sưng tấy, tụ máu, đau nhức do chấn thương: Dùng thân hoặc lá dây gân giã nhỏ thêm rượu nồng độ cao dùng để xoa bóp, đắp vào vết thương (không xoa vào vết thương chảy máu, hở da). Nếu ngã, va đập người đau ê ẩm thì có thể dùng 16g thân và lá dây gân sắc lấy 400ml nước, rồi cho thêm chút rượu vào uống, chia 3 lần uống trong ngày, dùng liền 3 ngày.
Bài 2: Giảm sốt do viêm họng cảm cúm: Lấy 16g lá dây gân giã đắp vào trán, gan bàn tay để giảm sốt rất hiệu quả.
Bài 3: Chữa bỏng nước sôi (thể nhẹ): Dùng lá và thân dây gân giã nát thêm chút nước sôi để nguội vào ngâm, chiết lấy dịch bôi vào vết bỏng liên tục giúp làm mát, giảm đau vùng thương tổn.
Bài 4: Chữa cảm gió: Ngày dùng 8 – 16g dây gân sắc với 2 bát nước còn nửa bát, uống sau bữa ăn trưa. Uống trong hai ngày, kết hợp ăn cháo giải cảm.
Lưu ý: Phụ nữ có thai không dùng.
Bác sĩ Trần Bá