Kinh giới còn gọi kinh giới tuệ, khương giới, giả tô, là một loại rau gia vị được trồng nhiều và phổ biến ở nước ta. Bộ phận dùng làm thuốc là phần trên mặt đất có hoa phơi khô của cây kinh giới.
Theo Đông y, kinh giới vị cay, tính ôn, vào kinh phế và can. Có tác dụng tán hàn giải biểu, thúc nọc sởi, chống kinh giật, cầm máu. Dùng cho các trường hợp cảm mạo phong nhiệt (sốt nóng) đau đầu, đau họng, chảy máu cam (nục huyết), đại tiện ra máu. Liều dùng: 6 – 12g dưới dạng nấu, hãm, sắc.
Cách dùng kinh giới làm thuốc
Tán hàn giải biểu: Kinh giới 12g, phòng phong 12g, tô diệp12g. Sắc uống lúc còn ấm. Trị ngoại cảm phong hàn, sợ lạnh đau mình, không có mồ hôi.
Trừ phong, chống co giật: Kinh giới sao qua, tán nhỏ; mỗi lần uống 8g, uống với rượu mùi. Trị chứng kinh giật do ngoại cảm phong tà, băng huyết sau khi đẻ, cấm khẩu, chân tay co rút.
Trừ ứ, cầm máu: Kinh giới đốt tồn tính, nghiền nhỏ. Ngày 2 -3 lần, mỗi lần 8g, uống với nước. Dùng cho chứng thổ huyết, chảy máu cam, tiểu ra máu.
Thúc sởi, tống độc: Kinh giới 8g, kim ngân hoa 16g, liênkiều 16g, thanh đại lá 20g, bản lam căn 20g, bạc hà 4g. Sắc uống. Trị sởi, phong chẩn, ngoài ra còn trị cảm mạo do phong nhiệt.
Món ăn – bài thuốc có kinh giới
Cháo kinh giới: Kinh giới (cả cuộng lá bánh tẻ) 1 nắm, bạc hà bằng nửa kinh giới, đậu hạt (xay vỡ) 80g, gạo lứt 100g. Đem dược liệu sắc lấy nước bỏ bã, nước sắc nấu với gạo và đậu thành cháo, chín cháo thêm chút dấm muối cho ăn khi đói. Dùng cho người cao tuổi tê bại tay chân hoặc di chứng bại liệt nửa người.
Cháo kinh giới, phòng phong: Kinh giới 10g, phòng phong 12g,bạc hà 6g, đạm đậu xị 8g, gạo tẻ 80g. Dược liệu nấu lấy nước bỏ bã; gạo nấu cháo. Khi cháo được cho nước thuốc và đường trắng liều lượng vừa ăn; đun sôi đều. Dùng cho trường hợp ngoại cảm sợ lạnh, sợ gió, đau đầu.
Kinh giới sa nhân tán mễ hồ điều: Kinh giới, sa nhân liều lượng bằng nhau, sao khô tán bột. Mỗi lần uống 9g, uống với nước hồ nếp, ngày 3 lần. Dùng cho các trường hợp tiểu tiện ra máu.
Kiêng kỵ: Người có chứng biểu hư tự ra mồ hôi, tỳ yếu hay đại tiện lỏng, thận trọng khi dùng.
Theo BS. Tiểu Lan – SKĐS