Trong Y học cổ truyền, nhung hươu được xếp vào một trong bốn thứ “thượng dược”, đó là sâm, nhung, quế, phụ. Nhung được lấy từ sừng non của những con hươu hoặc nai đực, thu hoạch vào đầu mùa xuân. Nhung hươu rất quý vì có hormon pantocrin, còn gọi nhung tinh, protid, lipid, các muối calci photphat, calci cacbonat, chất keo, các nguyên tố vi lượng, Fe, Mg…
Theo y học cổ truyền, nhung có vị ngọt, mặn, tính ôn, vào kinh thận, tâm, can, tâm bào. Đối với nam, nhung hươu có tác dụng bổ thận tráng dương, được dùng trong các trường hợp thận dương kém, sinh dục kém, yếu sinh lý, liệt dương, hoạt tinh, đau lưng, chân tay lạnh, còn đối với phụ nữ thì chủ trị phụ nữ kinh nguyệt không đều, băng lậu đới hạ, tử cung lạnh, tắc tia sữa. Ngoài ra, nhung còn có tác dụng sinh tinh tủy, mạnh gân xương, ích huyết, dùng trong trường hợp thiếu máu, người gầy yếu xanh xao, trẻ em chậm liền thóp, chậm lớn, chậm mọc răng, chậm biết đi, người già gầy yếu đi lại khó khăn. Nhung hươu có nhiều cách chế biến như ngâm rượu, nấu cháo, nấu canh… Có hai kiểu ngâm rượu phù hợp với từng loại nhung là nhung tươi và nhung khô. Sau đây là cách ngâm rượu cụ thể:
Ngâm rượu nhung tươi:
Sau khi có nhung tươi, lau sạch toàn bộ nhung (trừ chỗ cắt) bằng rượu gừng (một phần gừng tươi, giã nát ngâm với 5 phần rượu 35 – 40 độ), để khô, thái nhung và cho vào bình thủy tinh, đổ ngập rượu 35 – 40 độ, ngâm khoảng 3 tháng, chắt rượu ra, lại ngâm tiếp lần 2, lần 3 trong khoảng 3 – 4 tuần. Gộp dịch của 3 lần ngâm lại, đổ thêm rượu 35-40 độ với tỷ lệ 1 phần nhung/8 – 10 phần rượu. Nếu ngâm ít, có thể sử dụng rượu nhung ngay sau lần ngâm thứ nhất, 2 lần sau gộp lại dùng tiếp. Có thể thay rượu bằng mật ong.
Ngâm rượu nhung khô (cách chủ yếu):
Đem nhung mới cắt, lau bằng rượu gừng, để khô rồi sấy nhung trong tủ sấy, lúc đầu 50 – 600C, sau nâng lên 70 – 800C tới khô hoàn toàn. Khi ngâm rượu cần làm sạch các lông tơ bên ngoài mặt nhung bằng cách nung đỏ một que sắt, lăn đi lăn lại cho cháy hết lông hoặc lấy cồn 900 tẩm vào rồi đốt cho hết lông. Lau sạch bằng rượu gừng, để khô, thái mỏng bằng dao cầu, mỗi phiến dày 2-3mm. Nếu nhung quá cứng có thể đồ cho mềm rồi thái, ngâm với rượu 35-40 độ, với tỷ lệ 100g nhung/ 2,5 – 3 lít rượu thành phẩm. Ngâm 3 lần: lần 1 ngâm 1 tháng, lần 2- 3 ngâm 3 tuần, lần 3 ngâm 2 tuần. Mỗi lần ngâm khoảng 700-800ml rượu. Gộp dịch chiết của 3 lần lại, thêm rượu cho đủ 2,5-3 lít. Có thể dùng riêng rượu nhung hoặc phối hợp với rượu nhân sâm (ngâm riêng). Dùng nhân sâm phiến 50g, rượu có nồng độ 35 – 40 độ, ngâm 3 lần, lần 1 (600ml), ngâm 1 tháng, lần 2 (500ml) ngâm 3 tuần, lần 3 (400ml) ngâm 2 tuần. Gộp dịch rượu sâm của 3 lần lại. Đem rượu nhân sâm, rót từ từ vào rượu nhung, vừa rót vừa quấy đều để được khoảng 4,5 lít rượu thành phẩm. Ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần 30-50ml, trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ.
Lưu ý: Không dùng rượu này cho phụ nữ có thai, đang cho con bú và trẻ em. Trường hợp bụng sôi, đầy bụng, đau bụng đi ngoài, không dùng được. Người âm hư hỏa vượng cũng không dùng.
GS.TS. Phạm Xuân Sinh