Cây cam thìa (Picris Hieracioides L.) tên khác là cơm thìa, cơm kìa, cây mật đất, mao liên thái, thuộc họ cúc (Asteraceae), là một cây cỏ cao 0,3-1,2m, thân cứng, có lông dày. Lá mọc so le, hình mác thuôn, phiến lá men theo cuống đến tận gốc, đầu nhọn, mép có răng cưa. Cụm hoa mọc thành tán hoặc ngũ ở đầu cành, mang nhiều đầu gồm toàn hoa hình lưỡi, màu vàng; lá bắc xếp thành hai vòng. Quả bế, hình thoi, có 5 sống dọc, dài 2,5mm, mào lông hình sợi, màu trắng bẩn.
Cây mọc hoang trong rừng ẩm, ở khe suối, vách đá vùng núi cao lạnh trên 1.500m, như Sapa (Lào Cai), Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ (Hà Giang).
Theo kinh nghiệm của nhân dân các dân tộc Dao, Mường, Cao Lan, lá hoặc cả cây cam thìa, thu hái khi cây chưa có hoa, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày để chữa sốt rét. Liều dùng hằng ngày 20-30g. Thuốc có vị đắng, nêm thêm đường cho dễ uống.
Dựa vào kinh nghiệm dân gian đó, Viện y học cổ truyền Trung ương đã phối hợp cây cam thìa với nhiều vị thuốc khác trong bài thuốc chữa sốt rét như sau:
Nguyên liệu: cả cây cam thìa (gồm rễ, cành và lá) 100g, lá thường sơn 50g, rễ hà thủ ô trắng 50g, thảo quả 30g, vỏ quả chanh phơi khô 30g, hạt cau nhà hoặc cau rừng 30g, miết giáp 30g, hậu phác 20g, cam thảo 20g.
– Cây cam thìa: cắt nhỏ, phơi khô, rồi tẩm rượu, sao vàng;
– Lá thường sơn tước bỏ cuống và sống lá, ngâm nước vo gạo trong hai ngày, hai đêm (mỗi ngày thay nước gạo một lần), rồi thái nhỏ, tẩm rượu, sao vàng;
– Hà thủ ô trắng thái mỏng, nấu với nước đậu đen làm nhiều lần;
– Thảo quả sao cháy vỏ ngoài, lấy nhân hạt 30g,
– Miết giáp (mai ba ba) tẩm giấm, nướng vàng 3 lần
– Hậu phác, cam thảo, sao qua.
– Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn.
Liều dùng: Người lớn uống mỗi ngày 2 lần vào trước bữa ăn 1 giờ, mỗi lần 4g với nước đun sôi để nguội. Trẻ em tùy tuổi dùng liều thích hợp. Uống liên tục trong khoảng 1 tháng.
Theo SK&ĐS