Hằng năm, khi đã có gió bắc thổi về khoảng cuối thu – đầu đông, khí trời khô lạnh cũng là lúc trong người có cảm giác háo khô hơn. Đồng thời với một số triệu chứng xuất hiện do tân dịch hao tổn như hơi thở thô, khô, phân hay táo nhiệt… Với những biến đổi của thời tiết như vậy, một số bệnh thường gặp, nhất là trẻ em và người cao tuổi thường xuất hiện một số chứng bệnh như chảy máu cam, ho khạc ra máu, táo trĩ ra máu… Y học cổ truyền có nhiều bài thuốc hay để chữa những chứng bệnh này.
Để phòng và trị các chứng giòn mao mạch, có thể sử dụng một số vị thuốc và phương thuốc cổ truyền, mà trong thành phần của chúng thường chứa các hợp chất flavonoid như rutin, qurecetin… có tác dụng làm giảm tính thấm của thành mạch và làm dẻo các mao mạch theo cách tác dụng của vitamin P, như các vị thuốc hòe hoa (hòe mễ), trắc bách diệp, lá sen (hà diệp), long nha thảo, ngải diệp…, đôi khi lại là các chất tanin, làm se các vết thương để cầm máu như vị thuốc địa du, cỏ nhọ nồi…; cũng có thể là các chất gelatin trong cao động vật như cao a giao, cao xương động vật… Ngoài ra còn phải kể đến tính làm mát cơ thể mà YHCT gọi là tính “lương huyết” để cầm máu của nhiều vị thuốc, như huyết dụ, sinh địa, rau má… Cũng cần lưu ý, khi dùng các vị thuốc để cầm máu, YHCT thường tiến hành chế biến bằng cách sao đen hoặc thán sao.
Dưới đây xin giới thiệu một số phương thuốc cổ truyền để cầm máu hiệu quả và dễ sử dụng:
Trị chảy máu cam: Theo Đông y, máu cam được gọi là “nục huyết”, tức máu có thể đột nhiên chảy ra từ mũi, thường là một bên, có thể đang lúc làm việc, cũng có khi đang lúc nghỉ ngơi; thậm chí đang ngủ, với trẻ em, có thể đang vui chơi… Lúc này cần bình tĩnh, lấy ngón tay trỏ và ngón cái, ấn nhẹ phía trên cánh mũi, đầu hơi ngửa. Đồng thời lấy một ít tóc rối, đốt tồn tính, vò nhẹ thành bột mịn, đặt vào lòng bàn tay, hít mạnh vào bên lỗ mũi chảy máu, có tác dụng cầm máu ngay. Nếu tình trạng chảy máu xuất hiện thường xuyên, có thể dùng phương thuốc sau: hòe hoa, trắc bách diệp, kinh giới tuệ (ngọn mang hoa của cây kinh giới), chỉ xác mỗi vị 12g. Tất cả đều sao đen, hãm hoặc sắc uống, ngày một thang, uống liền 2-3 tuần sẽ cho hiệu quả tốt.
Trị trĩ chảy máu: Thường xảy ra với người bị đại tràng thực nhiệt, phân hay bị táo, trĩ, chảy máu, nhất là người cao tuổi, tân dịch hao kiệt, khí trung tiêu suy giảm… Có thể dùng phương: đảng sâm, hoàng kỳ, bạch truật mỗi vị 12g; đương quy 8g, sài hồ, cam thảo, thăng ma, mỗi vị 6g, trần bì, hòe hoa thán, trắc bách diệp thán, mỗi vị 4g, sắc uống ngày một thang, trước bữa ăn 1 giờ; uống liền 2-3 tuần đến khi hết các triệu chứng.
Trị ho ra máu: Với khí hậu khô hanh, môi trường nhiều bụi, khói… dễ gây viêm nhiễm đường hô hấp trên: viêm xoang, viêm họng… gây ho, ho khan kéo dài. Trong điều kiện tân dịch khô háo, các mao mạch dễ bị nứt vỡ, mà gây ho ra máu, khạc ra máu. Có thể dùng rau má tươi 100 – 200g, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, uống ngày một lần, trước bữa ăn 2 giờ; hoặc dùng bách bộ, tang bạch bì, mỗi vị 12g, trần bì thán, trắc bách diệp thán, mỗi vị 8g, thiên môn, mạch môn mỗi vị 16g. Ngày 1 thang dưới dạng thuốc sắc, uống 3 lần trước bữa ăn 1 giờ. Uống liền 3 – 4 tuần đến khi các triệu chứng thuyên giảm.
Trị nôn ra máu: Do tổn thương các niêm mạc của thực quản hoặc dạ dày bị viêm loét có thể dẫn đến xuất huyết, gây nôn ra máu, có thể sử dụng phương thuốc sau: đương quy thán, bồ hoàng thán, đại hoàng thán, hòe hoa thán mỗi vị 30g; a giao 30g. Thêm mật ong làm hoàn, mỗi lần uống 10g với nước sôi để nguội. Ngoài trị nôn ra máu, có thể dùng phương thuốc này cho các chứng chảy máu cam, đại tiểu tiện ra máu, phụ nữ băng kinh, băng huyết.
GS. TS. Phạm Xuân Sinh