Thực chất, mọi quy định cũng đều do con người đặt ra để xã hội thực hiện theo một tổng thể chung, tránh rối loạn theo kiểu mạnh ai nấy làm. Do đó, khi nghị định này, hướng dẫn kia, thậm chí là cả những quy định của pháp luật không còn phù hợp với tình hình thực tế hoặc bộc lộ những bất cập thì việc sửa đổi là lẽ đương nhiên nhằm bảo vệ quyền lợi của số đông trong xã hội. Tuy nhiên, với kiến nghị nêu trên của Petrolimex thì khó tìm được sự đồng thuận, ủng hộ của dư luận.
Khi giá cơ sở của mặt hàng xăng, dầu cao hơn giá bán lẻ, điều đó đồng nghĩa với sự thua thiệt của doanh nghiệp, nên theo Nghị định 83, khi đó Quỹ bình ổn giá (xây dựng từ sự đóng góp của người tiêu dùng) được trích nhằm góp phần bảo vệ cho lợi ích của doanh nghiệp. Như vậy là hợp lý. Nhưng nay, theo kiến nghị của Petrolimex (một trong 3 doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường, chiếm khoảng 75% thị phần mặt hàng này), thì phải trích quỹ để bù lỗ cho doanh nghiệp cả khi giá giảm. Vậy thì theo suy luận một cách cơ học, doanh nghiệp “vô tư” giảm giá, rồi lấy tiền của người tiêu dùng đóng góp vào Quỹ bình ổn giá để tự “cân đối” phần giảm giá. Nếu thế, cần gì phải căn cứ vào mức giá chung của mặt hàng này trên thế giới? Có tăng giá hay giảm giá, trăm sự cứ nhè vào “túi” người tiêu dùng là ổn!
Kinh doanh kiểu như thế, có làm ăn thua lỗ, có giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động mới là lạ. Nhưng tiếc rằng, không phải mọi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiện nay đều có được sự… may mắn như những đơn vị kinh doanh xăng, dầu – mặt hàng được coi là đặc biệt này. Lấy ví dụ, năm 2013, dù luôn kêu khó khăn, lỗ vốn để xin được tăng giá bán xăng dầu cho phù hợp với mức giá thế giới, nhưng cuối năm, theo báo cáo tài chính thì Petrolimex có lợi nhuận trước thuế đạt trên 1.323 tỷ đồng. Rồi bước sang năm 2014, hết quý I, Petrolimex vẫn tiếp tục than lỗ nặng trong kinh doanh, song báo cáo về tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế 9 tháng đầu năm 2014 của doanh nghiệp này là 1.418 tỷ đồng, đạt 71% và bằng 90% so với cùng kỳ năm trước. Thiển cận suy luận, chỉ có hai quý mà Petrolimex đã “cán đích” ngoạn mục như vậy, nếu 3 tháng đầu năm cũng làm ăn suôn sẻ thì năm 2014 có lẽ đơn vị này trở thành điển hình… vượt khó có tầm cỡ khu vực và châu lục.
Tóm lại, trong sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận thu được luôn là mục tiêu hàng đầu của các đơn vị, doanh nghiệp. Có rất nhiều con đường để hướng tới mục tiêu đó ví dụ như tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí sản xuất, giảm đầu mối trung gian, tiếp cận mở rộng thị trường, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động… Và phải chăng, việc kiến nghị sửa đổi cơ chế quản lý hiện hành (chỉnh sửa một số điểm của Nghị định 83/2014/NÐ-CP về kinh doanh xăng dầu (có hiệu lực từ ngày 1-11-2014) cũng là một cách sản xuất, kinh doanh đầy năng động và sáng tạo của Petrolimex? Nếu quả thực là như vậy thì có lẽ nên lập Quỹ bình ổn giá đối với mọi mặt hàng để giúp các doanh nghiệp trụ vững trong thời buổi khó khăn này, bởi lúc nào làm ăn thua lỗ đã sẵn có vốn từ túi người tiêu dùng.