Mấy lời mộc mạc, chân thành mà cựu chiến binh, thương binh Lê Hữu Thông (xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ cứ văng vẳng bên tai tôi suốt buổi chiều cuối năm, khi dạo bước trên cánh đồng muối Tam Hòa dưới cái nắng chói chang bất thường của mùa đông (mà đáng lẽ phải lạnh giá). Cúi xuống nhặt một hạt muối bỏ vào miệng, vị mặn tan dần nơi đầu lưỡi, sao thấy thương những bóng người đang lom khom cào muối, phơi lưng áo đẫm mồ hôi…
“Năm nay mất mùa muối” – ấy là bác Thông nói riêng ở cánh đồng Tam Hòa. Theo kinh nghiệm của bác, trung bình một năm chỉ có 160 – 180 ngày đủ nắng để diêm dân Tam Hòa làm ra muối. Nhưng năm 2014 này, số ngày bà con có thể phơi mình trên cánh đồng không nhiều, sản lượng muối giảm đáng kể. Năm 2013, cả làng sản xuất được khoảng 5.000 tấn muối, năm nay đã hết vụ mà lượng muối thu được mới chỉ đạt trên 3.000 tấn. Bà con phải tận dụng cả những ngày nắng trong mùa đông để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, hiện giá thị trường thấp (1.600đ – 1.800đ/kg), mồ hôi đổ ra nhiều lắm mà vẫn không thể sống được với nghề. Rõ ràng là nghề tổ truyền, nghề chính mà lại có thu nhập phụ. Vậy nên, thanh niên trai tráng trong làng bỏ đi làm ăn xa, người làm muối chủ yếu là những người già, hết tuổi lao động (cả làng hiện có khoảng 800 người làm muối). Cũng đúng với lẽ thường vì cái nghề cha truyền con nối bao đời ấy tạo nên rất nhiều vị mặn cho đời nhưng chưa thể tạo ra sự sung túc, giàu có cho bác Thông cũng như hàng trăm, hàng ngàn diêm dân Tam Hòa.
Hết nhìn những đám ruộng bị bỏ hoang, bác Thông lại ngao ngán nhìn những hạt muối trắng tinh đang nằm khô, không ai buồn cào lại vì có cào cũng chả biết dùng vào việc gì (mỗi gia đình chỉ cần 1 kg muối là đủ dùng cho cả tháng). Hạt muối vốn mặn bởi được kết tinh từ vị mặn của biển cả, thêm vị mặn của mồ hôi người làm muối, nay lại thêm mặn bởi sự đắng cay, chua xót khi những người làm muối đang từng ngày, từng ngày quay lưng lại với nghề. Làm cách gì đây ? Bao năm cầm súng chiến đấu rồi chiến thắng, lẽ nào giờ hòa bình lại chịu khuất phục bởi khó khăn ? Tự dặn lòng: Phải xứng đáng là anh “Lính Cụ Hồ”, luôn nỗ lực vươn lên – bác Thông đã ngày đêm trăn trở. Một ý tưởng chợt thôi thúc bác hành động: “Tư thương làm được, lẽ nào mình không tiêu thụ được ?”
Vậy là ở tuổi 59, bác Thông bắt đầu “khởi nghiệp” với nghề: buôn muối. Ban đầu, bác lặn lội đi khắp các cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm, bột canh trong tỉnh; ra Hà Nội, Hòa Bình, Nam Định… để đấu mối việc tiêu thụ muối. Sau khi thu mua muối cho bà con, bác thuê xe ô tô chở đến tận các cơ sở đã ký hợp đồng để giao hàng. Tuy vất vả nhưng mỗi năm, bác cũng giúp bà con tiêu thụ được 1.000 – 1.500 tấn muối (khoảng 30% số muối diêm dân Tam Hòa sản xuất được). Với sự quyết tâm cao và sự ủng hộ của gia đình, thương binh Lê Hữu Thông đã nhanh chóng tổ chức được một đội vận chuyển muối với hàng chục người, tạo cho họ có việc làm và thu nhập thường xuyên. Để đề phòng việc muối tồn đọng vào mùa nắng và khan hiếm trong mùa mưa bão, cũng trong năm 2009, bác Thông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư xây dựng hai nhà kho trên cánh đồng với tổng sức chứa 350 tấn muối. Việc kinh doanh đem lại cho bác Thông 50 – 60 triệu đồng tiền lãi mỗi năm nên ngoài việc giúp bà con tiêu thụ muối, bác Thông còn tạo điều kiện cho bà con vay vốn (không tính lãi) những lúc khó khăn, đến vụ trả bằng muối theo giá thị trường. Muối tiêu thụ được, các hộ dân Tam Hòa lại phân công lao động nhàn rỗi đảm nhiệm việc làm muối. Tuy thu nhập không cao (nếu giá muối bình quân đạt 2.000đ/kg, một lao động làm muối chỉ thu nhập 12 triệu đồng/năm), ít có khả năng phát triển nhưng bà con vẫn luôn ý thức giữ lấy nghề truyền thống, giữ lấy vị mặn cho đời.
…Trên cánh đồng muối Tam Hòa, ánh nắng cuối ngày đã dần tắt. Người vợ đang khẩn trương hoàn tất việc thu mua muối. Còn ở phía trong kho, bác Thông vẫn luôn tay xẻng, từng vạt muối trắng được chất cao dần. Có lẽ bác Thông chính là “doanh nhân” thành đạt nhất mà tôi từng gặp. Không phải vì bác Thông thu được lợi nhuận cao từ việc kinh doanh, không phải bác gây dựng được một doanh nghiệp với khối tài sản khổng lồ mà bởi vì bác đã hết lòng giúp bà con địa phương yên tâm làm nghề truyền thống.
Tâm Ánh
Bài viết được tổng hợp từ phần mềm máy tính