Cả con đã chế biến của con Tắc kè (Gekko gekko L.), họ Tắc kè (Gekkonidae).
Mô tả Con tắc kè
Tắc kè có 4 chân. Toàn thân dẹt, do đã chế biến nên có hình dáng đặc biệt. Đầu dài từ 3 đến 5 cm, trên có 2 mắt, miệng có răng nhỏ và đều. Thân dài từ 8 đến 15 cm, rộng 7 – 10 cm. Đuôi dài 10 – 15 cm, nguyên và liền. Toàn thân có vẩy nhỏ, mỏng, màu sắc tuỳ loại (màu tro xanh với điểm vàng, đỏ hay xám nâu). Hai chân trước và 2 chân sau được căng thẳng trên 2 que ngang. Từ đầu con Tắc kè đến cuối đuôi cũng được căng bởi một que dọc. Phần thân được căng vuông vắn và cân đối bởi 2 que chéo. Mùi hơi tanh vị hơi mặn.
Tắc kè nguyên con, đủ đuôi, không vụn nát, chắp vá, sâu mọt.
Độ ẩm
Không quá 10% (Phụ lục 9.6, 1 g, 105 0C, 5 giờ).
Chế biến
Có thể bắt tắc kè quanh năm, đập chết, moi bỏ phủ tạng, lau khô bằng vải hay giấy bản, dùng nẹp tre để căng giữ cho thân Tắc kè thẳng và phẳng ngay ngắn. Dùng dải giấy bản cuốn buộc chặt đuôi sát với nẹp tre để phòng mất đuôi, sau đó phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp (40 – 50 oC).
Bào chế Con tắc kè
Dùng tươi: Nhúng tắc kè vào nước sôi, cạo sạch vảy, chặt bỏ đầu từ mắt trở nên, chặt bỏ các bàn chân, lột da. Mổ bỏ phủ tạng, lấy vải (hoặc giấy bản) lau sạch, nấu cháo.
Dùng khô: Chặt bỏ đầu từ mắt trở lên và các bàn chân, cạo sạch vảy, cắt thành miếng nhỏ.
Tửu cáp giới: Lấy những miếng Tắc kè khô, tẩm rượu cho mềm, phơi hoặc sấy khô nhẹ hoặc nướng vàng hay sao nhỏ lửa cho đến màu vàng thơm. Sau đó ngâm rượu hoặc tán thành bột làm hoàn tán.
Bảo quản
Để trong thùng kín có Xuyên tiêu. Nơi khô mát, tránh mốc mọt, không được xông sinh. Tránh làm gãy nát, không được gãy, mất đuôi.
Tính vị, quy kinh
Hàm, bình, hơi độc. Quy vào kinh phế, thận.
Công năng, chủ trị
Bổ phế thận, định suyễn, trợ dương, ích tinh. Chủ trị: Khó thở hay xuyễn do thận không nạp khí, ho và ho máu, liệt dương, di tinh.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 3 – 6 g, dạng hoàn, tán, rượu thuốc hoặc có thể nấu cháo.
Kiêng kỵ
Không dùng cho người ngoại tà thực nhiệt, ho do phong hàn.