Đội cứu thương bằng… xe ôm, ba gác máy

Người dân ở thị xã Dĩ An (Bình Dương) giờ đây đã quen thuộc với hình ảnh những bác tài xế xe ôm luôn có mặt khi tai nạn giao thông xảy ra, bất kể ngày đêm, mưa nắng.

Đôi tay thoăn thoắt sửa soạn chiếc túi cứu thương như nhân viên y tế “thứ thiệt”, ông Phạm Ngọc Ẩn (46 tuổi) kể: “Tôi tham gia đội xe máy cứu thương hơn 5 năm rồi. Hồi trước, nhiều lần chứng kiến người bị tai nạn giao thông nằm rên xiết giữa đường, tôi muốn giúp mà không biết phải làm sao, có khi vội vàng đưa họ đi bệnh viện mà còn làm vết thương nghiêm trọng hơn. Sau này, nhờ tham gia đội cứu hộ tôi đã thành thạo cách cách sơ cứu rồi. Những vụ va quẹt nhẹ mình băng bó xong là họ khỏi mất công chạy đi bệnh viện”.

Ông Ẩn tham gia đội xe cứu thương còn vì tính khí “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” của mình. Ông bức xúc: “Có người chạy ẩu gây tai nạn mà còn hùng hổ cãi lại để khỏi phải bồi thường, tôi bất bình lắm. Tham gia đội cứu hộ, tôi còn có thể đứng ra bênh vực người ngay”.

Đó cũng là lý do chung khi 10 bác tài xe ôm, xe ba gác máy tham gia Chốt sơ cấp cứu ở ngã tư Đường Mồi (thị xã Dĩ An, Bình Dương). Chốt sơ cấp cứu này thuộc lực lượng Đội xe máy cứu thương thị xã Dĩ An (do Hội Chữ thập đỏ khởi xướng) hoạt động đã 11 năm nay. Tính đến năm 2013 khi tròn 10 năm thành lập, đội đã cứu hơn 2.000 người thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhờ được chuyển viện kịp thời và hàng trăm vụ sơ cứu, băng bó tại chỗ.

toan-doi-3d808

Chốt sơ cấp cứu ở ngã tư Đường Mồi có 10 thành viên nhưng hiếm khi các anh tề tựu đông đủ vì bận chở khách, chở hàng.
 tui-cuu-thuong-3d808
Ông Phạm Ngọc Ẩn: “Hàng tháng, anh em tôi đều phải thay phiên nhau đi tập huấn cách sơ cứu người bị nạn”
 
Ngã tư đường Mồi là giao lộ giữa đường Lý Thường Kiệt và đường số 18, KCN Sóng Thần 2. Đây là một trong những điểm nóng hay xảy ra tai nạn vì ngã tư này có hình chữ X khiến tầm nhìn của người tham gia giao thông bị cản trở. Khu vực này lại có trường học và nhà máy nên mỗi khi tan tầm, lưu lượng xe rất đông.

Tuy nhiên, thời điểm căng thẳng nhất với chốt cứu hộ lại là 2 ngày thứ 7, chủ nhật, bởi vì: “Cuối tuần hay có đám tiệc, người ta nhậu xỉn rồi chạy xe ra đường, không va quẹt nhau thì cũng tông vào cột điện. Có ngày cứ 20 phút là xảy ra tai nạn, tụi tôi chạy toát mồ hôi hột” – ông Ẩn giải thích.

Thành viên của đội đều làm nghề chạy xe ôm, xe ba gác, cuộc sống còn nhiều khó khăn, chạy xe kiếm tiền đong gạo mỗi ngày. Họ nghèo tiền bạc nhưng lại giàu lòng nghĩa hiệp. Mỗi ngày làm việc từ mờ sáng đến nửa đêm nhưng dù đang ngon giấc, hễ có điện thoại cầu cứu là họ bật dậy, phi ngay đến hiện trường.

Anh Nguyễn Văn Tân, quê ở Thanh Hóa, thuê trọ tại Bình Dương nhớ lại: “Mới hôm tết Đoan ngọ vừa rồi, đang đêm tôi nghe báo có người bị tai nạn ở KCN Sóng Thần. Nạn nhân bị gãy xương, phải nẹp lại, không đưa đi cấp cứu bằng xe máy được. Tôi dùng xe ba gác máy chở anh ấy đến trung tâm y tế rồi từ đó họ chuyển nạn nhân lên thẳng Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM). Một tháng sau, anh ấy trở lại tìm tôi để cảm ơn và tặng tiền nữa nhưng tôi không nhận. Thấy người bị nạn, mình giúp được thì giúp thôi”.
ngoi-uong-nuoc-3d808
Giây phút nghỉ ngơi của anh Tân (phải) cùng đồng đội dưới tán dù của chốt cấp cứu
 
Nhưng làm việc thiện không phải chuyện dễ dàng. Ông Phan Tuấn Thao, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Dĩ An, thị xã Dĩ An cho biết: “Hồi mới thành lập đội cứu hộ, các anh thường xuyên bị công an yêu cầu ở lại để làm rõ vụ tai nạn, chở nạn nhân đến bệnh viện thì bị người nhà lầm tưởng là thủ phạm, xúm lại đánh, chửi… Sau này, khi Hội Chữ thập đỏ có kinh phí may đồng phục cho anh em và làm thẻ hội viên đội xe máy cứu thương thì mọi việc suôn sẻ hơn.

Tuy đã danh chính ngôn thuận nhưng các anh vẫn chịu nhiều thiệt thòi: có khi đang chở khách, thấy có tai nạn là thả khách xuống để chạy đi cứu người, coi như lỗ chuyến xe ôm mà không hề được hỗ trợ kinh phí. Vì vậy, việc làm thêm không công này được xem như “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Thế nhưng các anh vẫn cười: “Còn chạy xe thuê thì còn tham gia cứu hộ, làm việc thiện thấy vui trong lòng lắm, không bỏ được đâu!”.