ICAO phát triển các công cụ mới chống bụi núi lửa

Các công cụ mới này là kết quả nghiên cứu của Nhóm đặc nhiệm quốc tế về bụi núi lửa được ICAO thành lập sau vụ núi lửa ở Iceland phun trào gây tắc nghẽn vận tải hàng không quốc tế hồi tháng 4 năm 2010.

Các công cụ này bao gồm một ấn phẩm mới hướng dẫn các hoạt động hàng không trong tình huống bụi núi lửa; một tình huống mẫu về xử lý kế hoạch bay khẩn cấp trong bụi núi lửa và các khuyến nghị về công nghệ mới và các yêu cầu hệ thống cần thiết cho các hệ thống phát hiện bụi núi lửa đặt trên mặt đất, trên máy bay và trên vệ tinh.

icelandvolcanic
Bụi núi lửa Iceland

Tổng Thư ký ICAO, Raymond Benjamin, nêu rõ rằng các thách thức bất ngờ do vụ núi lửa ở Iceland phun bụi năm 2010 là cơ hội quan trọng để cộng đồng hàng không toàn cầu tăng cường tri thức khoa học tập thể, cũng như các phản ứng phối hợp hoạt động hàng không quốc tế phòng chống bụi núi lửa, cho dù các núi lửa hoạt động ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào trên thế giới.

Núi lửa ở Iceland phun trào đã làm gián đoạn nghiêm trọng nhất các hoạt động hàng không quốc tế kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Sự gián đoạn này cho thấy nguy cơ dễ bị tổn thương của hệ thống hàng không hiện đại trước các thảm họa tự nhiên, nhưng cũng thúc đẩy ngành hàng không quốc tế đẩy nhanh nghiên cứu khoa học để tìm các biện pháp vượt qua thách thức này.

Các hãng hàng không, các sân bay, các nhà cung cấp dịch vụ vận tải hàng không, các cơ quan kiểm soát không lưu và các hãng chế tạo máy bay quốc tế và các hiệp hội buôn bán toàn cầu đã tích cực đóng góp các nguồn tài lực và nguồn lực trí tuệ vào nỗ lực này.

Các chuyên gia ICAO khẳng định với các công cụ mới, nếu núi lửa phun bụi xảy ra hôm nay, mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, nhưng ngành hàng không quốc tế chắc chắn sẽ xử lý tốt hơn nhiều so với hồi tháng 4 năm 2010. Các nỗ lực xác lập cân bằng thích hợp giữa an toàn và tính đều kỳ của hoạt động hàng không quốc tế trong trường hợp núi lửa hoạt động vẫn phải được thúc đẩy và ICAO cam kết tăng cường các nỗ lực này. Những nghiên cứu về các mức độ tập trung của bụi núi lửa, quản lý thông tin và giám sát núi lửa cũng như các nghiên cứu về những phương pháp mới phát hiện điôxít cácbon trong khí quyển cũng cần được thúc đẩy trong thời gian tới.