Đó là những “con số biết nói” về hậu quả của thảm họa thiên nhiên đối với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, do Cơ quan Liên hợp quốc về chiến lược giảm nhẹ nguy cơ thiên tai (UNISDR) công bố ngày 11/12.
Theo UNISDR, số người chết vì lụt lội ở châu Á trong năm 2012 tuy có giảm đi, nhưng thiệt hại về kinh tế do lũ lụt vẫn khá cao.
Ông Giêri Vêlaxkê (Jerry Velasquez), người đứng đầu UNISDR khu vực châu Á-Thái Bình Dương, dẫn thông báo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết mỗi năm, thiên tai gây thiệt hại cho khu vực này trung bình 1,6 tỷ USD (tương đương 1,8% GDP).
Con số cụ thể ở Inđônêxia là 1,2% GDP, ở Việt Nam là 1,8% GDP, ở Myanmar 1,9% GDP, Malaysia 1% GDP, Campuchia và Lào 1à 1,7% GDP.
UNISDR đánh giá trong năm 2012, lụt lội là thiên tai xảy ra thường xuyên nhất tại khu vực châu Á, chiếm đến 44%. Đây là thiên tai gây tác động đến con người và kinh tế cao nhất.
Lũ lụt là nguyên nhân của hơn một nửa con số tử vong vì thiên tai ở châu Á trong năm nay. Gần 80% số người dân tại châu lục này chịu ảnh hưởng của lụt lội.
UNISDR cho rằng lũ lụt và bão tố vẫn là những mối đe dọa chính cho khu vực châu Á mà ví dụ mới nhất kaf siêu bão Bopha hoành hành ở Philíppin làm hơn 500 người thiệt mạng.
Tại ba khu vực Nam, Đông Nam và Đông Á, trong năm 2012 đã xảy ra 83 thảm họa thiên tai khiến tổng cộng hơn 3.100 người thiệt mạng và gần 65 triệu người bị ảnh hưởng, với tổng số thiệt hại về vật chất là hơn 15 tỷ USD.
Bà Debby Sapir, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học do thảm họa của Trường Đại học Louvain ở Bỉ, nhấn mạnh rằng châu Á là nơi phải hứng chịu nhiều thiên tai trong các thập niên vừa qua. Có tới 90% trong tổng số nạn nhân của thiên tai trong thập niên qua sinh sống ở châu Á.
Bà Sapir cho rằng trong năm nay, khu vực châu Á may mắn không phải gánh chịu những thảm họa thiên tai lớn, chẳng hạn số thảm họa động đất của khu vực không nhiều như những năm trước.
Để đối phó với thảm họa thiên nhiên, ông Giêri Vêlaxkê cho rằng các nước cần phải đối phó một cách có hệ thống hơn.
Hoạt động này cần phải được đưa vào mọi kế hoạch quản trị và phát triển đô thị để tăng trưởng bền vững và bảo vệ mạng sống cũng như tài sản của người dân khi thời tiết xấu trở nên thường xuyên và nặng nề hơn trong tương lai.
Ông đánh giá cao công tác phòng chống và giảm thiểu thiên tai của Bangladesh và Việt Nam, cho rằng chương trình trồng rừng ngập mặn ven biển của Việt Nam là một trong những chương trình hiệu quả về đầu tư, có thể giảm thiểu những tác động bất lợi của thiên tai như bão tố, nước biển dâng.
Ông cho rằng Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực cố gắng kết hợp việc phòng chống và giảm thiểu thiên tai với tình hình biến đổi khí hậu trong kế hoạch của chính quyền.
Tuy nhiên, ông Vêlaxkê cho rằng một thách thức lớn hiện nay đối với khu vực là vấn đề quản lý nguồn nước.
Ông Vinod Thomas, Tổng Giám đốc Cơ quan đánh giá độc lập tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng biện pháp phòng chống rất quan trọng.
Theo ông, nếu không có biện pháp phòng chống và không có những hoạt động giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu, thì thảm họa thiên nhiên sẽ ngăn cản sự phát triển.
Tại Nam Phi, mưa bão ở miền Trung và miền Đông trong hai ngày qua đã làm ít nhất 40 người thiệt mạng, bảy người mất tích và hàng trăm người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.
Phóng viên tại Pretoria cho biết tỉnh Mpumalanga và Kwazulu-Natal bị thiệt hại nặng nhất.
Tính đến cuối ngày 11/12, bão đã làm 27 người ở tỉnh Mpumalanga thiệt mạng, trong khi tại tỉnh Quadulu Natan có 13 người chết, bảy người mất tích và hơn 300 người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất sau khi nhà cửa bị tốc mái hoặc bị nước cuốn trôi.
Do bị xói lở nền đất, một đoàn tàu chở hàng đã bị trật đường ray, lao xuống sông Amamditoti ở khu vực gần thành phố cảng Durban, làm bốn người bị thương.
Cục Khí tượng Nam Phi cho biết tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, mưa bão sẽ giảm trong ngày 12/12 nhưng sau đó có thể mạnh trở lại.