Săm môi kiểu lột da, môi đỏ trong 3 ngày… cực hại

Không phải đến các thẩm mỹ viện để xăm môi giống như cách truyền thống vừa đau vừa tốn kém, chị em có thể mua được thỏi son xăm môi ở bất cứ hàng mỹ phẩm xách tay nào. Tuy nhiên, các hóa chất độc hại trong loại son xăm môi này bán trôi nổi trên thị trường đang đe dọa sức khoẻ người dùng.
 
Lột da, môi đỏ trong 3 ngày
 
Son lột da chết và xăm màu cho môi thay thế phương pháp xăm, phun thẩm mỹ được nhiều chị em tìm hiểu, quan tâm. Với mơ ước có được làn môi luôn đỏ mọng không cần phải tô son, chị Nguyễn Lan Hương (Hà Nội) lên mạng tìm hiểu thông tin về loại son xăm môi.

Đa phần sản phẩm được giới thiệu là son xăm môi Hàn Quốc với nhiều mức giá khác nhau, dao động từ một cho đến vài trăm ngàn đồng/thỏi. Chị Hương bôi mặt nạ son lên môi, đợi khô và lột đi lớp gel thì thấy màu môi hiện lên khá đẹp, lưu được khoảng 3 ngày. Sau đó, muốn có đôi môi đỏ trong vài ngày thì lại tiếp tục bôi. Nhưng điều chị Hương lo ngại là da môi cứ bị lột liên tục như thế thì liệu có làm hỏng da, tổn thương môi?
 

Còn chị Vũ Thu Thủy (Long Biên, Hà Nội) thì cho biết, son xăm môi thực ra không có tác dụng như quảng cáo. Chị được một người bạn tặng hộp son xăm môi và đã dùng thử. Khi bóc lớp gel đã khô trên môi ra thì môi bong tróc, chảy máu, đau rát. Sợ quá chị phải đi rửa bằng nước ấm, chườm mất mấy ngày mới khỏi.
 
Đem thắc mắc này hỏi chị Trần Thị Thu, chủ cửa hàng bán son xăm mặt nạ môi trên mạng thì được biết, rất có thể cơ địa của chị Thủy không phù hợp với loại son này, nhưng khả năng lớn khách hàng bị dị ứng là do sử dụng son từ Trung Quốc hoặc Thái Lan, giá rẻ hơn nhiều nhưng chất lượng thì chưa được kiểm soát.

Còn đa phần son được nhập từ Hàn Quốc là không gây phản ứng. Khi tôi hỏi thành phần của son là gì, có gây hại không thì chị Thu chỉ trả lời là đã được Hàn Quốc chứng nhận chất lượng, người nước đó dùng không vấn đề gì thì mình dùng cũng an toàn.

Sam-moi-kieu-lot-da-moi-do-trong-3-ngay-cuc-hai-1
 
Son càng lâu phai càng nhiều chì
 
PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Khoa Hóa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, để các loại son giữ màu lâu, nhà sản xuất thường cho nhiều chì vào. Những loại son có càng ít chì thì khả năng giữ màu càng kém.

Đặc biệt, chì là một chất cực độc đối với cơ thể, không có khả năng tự phân giải mà tích tụ trong cơ thể người, gây nên các bệnh nghiêm trọng như ung thư. Ngoài chì, trong son môi còn chứa những hợp chất hóa học khác như triclosan, cadmium, mathacrylate, parabens… Theo nghiên cứu, chất triclosan ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của cơ tim và có khả năng gây vô sinh ở nữ giới.
 

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, chỉ cần cơ thể hấp thụ hàm lượng chì ở mức thấp nhất cũng có thể làm hại chỉ số thống minh (IQ) của chúng ta, đặc biệt là hành vi và khả năng tiếp thu của mỗi người.

Vì thế, nếu chị em phụ nữ càng dùng nhiều son môi, càng phải đối mặt với việc chỉ số IQ giảm xuống và gặp vấn đề với các chứng bệnh như rối loạn hành vi, làm chậm khả năng tiếp thu…
 

PGS.TS Trịnh Lê Hùng cũng cho biết, nếu đem xét nghiệm một cách nghiêm túc thì hầu hết các mỹ phẩm đều chứa chì.

 Điều này là dễ hiểu vì chì là một yếu tố vi lượng, giúp son môi nói riêng và nhiều loại mỹ phẩm khác nói chung bền màu, lâu phai hơn. Với loại son mà đến 3 ngày không phai màu thì chắc chắn hàm lượng chì sẽ rất cao, tốt nhất là không nên sử dụng vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hại cho sức khoẻ.

Để thử xem son có chì hay không, nhiều người làm bằng cách cho một ít son ra mu bàn tay, lấy chiếc nhẫn kim loại bằng vàng hoặc bạc đánh đi đánh lại. Càng có nhiều chì thì son càng chuyển màu đen đậm. Nhưng thực tế đây không phải là phương pháp thử chuẩn xác mà phải có máy móc xét nghiệm.

Để an toàn, hãy chọn loại son có nguồn gốc rõ ràng tại các cửa hàng mỹ phẩm uy tín, tránh mua sản phẩm trôi nổi. Trong quá trình sử dụng son, không nên tiếp xúc nhiều với thức ăn, đồ uống. Hạn chế tô son nhiều lần trong ngày, đặc biệt là các loại son đậm màu, rửa sạch kỹ môi khi tan việc hoặc kết thúc tiệc tùng.