1. Thiếu mục tiêu
Mục tiêu chính là những định hướng, những kế hoạch mà bạn đã vạch ra cho chính bản thân của bạn. Nó được coi là kim chỉ nam để bạn phấn đấu, rèn luyện và cuối cùng là đạt được mục đích của mình. Tôi có một người bạn, người bạn này từ lúc tốt nghiệp ra trường đã gặp phải một khó khăn đó là không chinh phục được nhà tuyển dụng qua các cuộc phỏng vấn. Người bạn này học rất khá, có năng lực tuy nhiên một trong những lý do mà nhà tuyển dụng bỏ qua một ứng viên như vậy là vì người bạn này của tôi rất lúng túng và không dứt khoát khi được nhà tuyển dụng hỏi về những định hướng về nghề nghiệp trong tương lai. Sau khi tôi tìm hiểu thì quả thật là như vậy. Người bạn này của tôi chỉ có kiến thức sách vở mà thiếu đi những sự hiểu biết nhất định về những môi trường xung quanh chuyên môn mà cậu ấy đã được học. Từ đó cậu ấy thiếu những mục tiêu, mục đích cũng như sự phấn đấu để đạt được thành công trong sự nghiệp. Hơn ai hết chính các bạn là người quyết định tương lai của mình. Bởi vậy các bạn có muốn “bỏ mặc” chính các bạn hay không? Tất cả là ở bạn.
2. Thiếu động lực
Nếu mục tiêu là những định hướng mà bạn đã vạch ra, những gì bạn cần đạt được thì động lực chính là chất “xúc tác”, chất “kích thích” để bạn có đủ năng lượng để hoàn thành sứ mệnh cao cả đó. Bạn sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi và chán nản nếu bạn thiếu động lực khi thực hiện một công việc nào đó và nếu như vậy thì một điều tất yếu là kết quả bạn đạt được sẽ không bao giờ như ý bạn mong muốn. Một kết quả tuyệt vời sẽ chỉ đến với ai luôn làm việc bằng một nguồn năng lượng tràn trề và hứng khởi. Động lực có thể đến từ rất nhiều nguồn khác nhau. Đó có thể là từ sự nghèo khó của gia đình và bạn muốn vượt qua, bạn phải thành công để có thể giúp đỡ được gia đình. Hoặc đó cũng thể là từ chính người bạn của mình. Sự thành công của những người bạn của bạn sẽ là nguồn động lực để bạn phấn đấu và giành được sự thành công như họ.
3. Thiếu nhiệt huyết và đam mê
Một trong những sự bất hạnh của con người chúng ta đó là làm những gì mà chúng ta không hề thích thú và đam mê. Như bạn đã biết thì quỹ thời gian mà chúng ta dành cho công việc (công việc văn phòng chẳng hạn) là nhiều nhất trong một ngày. Nhiều hơn cả thời gian bạn nghỉ ngơi hay thời gian mà bạn dành cho gia đình của mình. Vì vậy mà làm những gì bạn không đam mê vô tình đã “giết chết” tâm hồn và con người của chính bạn. Nếu không đam mê với công việc bạn sẽ không dành hết mọi tâm huyết và sức lực vào công việc đó. Từ đó bạn sẽ khó mà thành công được trên con đường sự nghiệp của mình.
Ngược lại một người có khát khao, cháy bỏng với đam mê sẽ luôn tự tìm ra cho họ những lối đi riêng, sáng tạo trong công việc và đặc biệt họ luôn biết cách xoay sở để vượt qua những khó khăn mà công việc của họ mang lại.
4. Thiếu sự tự tin
Những bậc tiền nhân đi trước chúng ta đã nói: “Sự tự tin của chúng ta trước khi bắt đầu thực hiện một công việc gì đó đồng nghĩa với việc là chúng ta đã thành công được hơn 50 phần trăm rồi”. Câu nói đó thực sự là bài học để chúng ta phải nhìn vào. Qua thực tiễn chúng ta có thể nhận thấy rằng con đường thành công không có chổ cho những kẻ nhút nhát, thiếu tự tin. Bởi khi bạn thiếu tự tin thì trong đầu bạn sẽ luôn đầy ắp những suy nghĩ tiêu cực như: Tôi có làm được không? Tôi sợ thất bại? Tôi sợ… và cứ như thế. Khi sự sợ hãi trong bạn quá lớn thì điều đó sẽ chỉ làm bạn lùi xa hơn tới con đường vinh quang ở phía trước mà thôi.
Bạn có biết trong triết học của Mác và Lê nin đã chỉ ra rằng: Những điều mà bạn suy nghĩ trong đầu hay ý thức sẽ quyết định cách mà bạn tác động vào thực tiễn hay vật chất như thế nào. Và dĩ nhiên nó sẽ bao gồm cả kết quả tương ứng.
5. Tính bị động
Bị động hay nói cách khác là không chủ động thể hiện sự kém sáng tạo, thiếu thích nghi của chính con người đó. Họ luôn ở trong trạng thái chờ đợi, chờ được phân công trong công việc mà không chịu chủ động tìm kiếm và giải quyết vấn đề để vấn đề được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Một trong những yếu tố để quyết sự thành bại trong sự nghiệp của mỗi người đó là cơ hội. Cơ hội là thứ mà khi đã qua đi thì không bao giờ quay lại được và chỉ những ai nắm bắt được cơ hội đó mới là người thành công. Tuy nhiên cơ hội không tự tìm đến mà chúng ta phải chủ động đi tìm. Còn bạn thì sao? Bạn sẽ chờ hay tự chủ động đi tìm? Tự bạn phải quyết định điều đó.
6. Thiếu sự học hỏi và rèn luyện
Tất cả chúng ta ai ai cũng phải thừa nhận rằng: Hơn 99 phần trăm nhân tài là do sự khổ luyện mà nên. Những vĩ nhân, những người thành đạt là những người đã luôn rèn luyện, học hỏi và đúc rút kinh nghiệm trong suốt cuộc đời của họ. Họ phải hoàn thiện cả kiến thức lẫn kỉ năng cần thiết cho công việc hay sự nghiệp thăng tiến của họ. Không ai có thể nói rằng “Tôi đã đủ kiến thức”. Bởi kiến thức là vô bờ bến. Nó luôn luôn thay đổi và nếu chúng ta không cập nhật liên tục thì có nghĩa là chúng ta đang “lạc hậu” dần với chính cái môi trường mà chúng ta đang tồn tại.
7. Sự ỉ lại
Một trong những lối sống đáng xấu hổ của một bộ phận giới trẻ hiện nay là lối sống ỉ lại. Những người sống ỉ lại là những người lười biếng, thiếu mục tiêu và sống chủ yếu dựa dẫm vào gia đình. Với họ tương lai của họ sẽ phó mặc cho gia đình. Vứt bỏ những khát vọng hay hoài bão của tuổi trẻ và tất nhiên tương lai là thứ gì đó rất xa xỉ đối với họ.
8. Thiếu sự trung thực
Nếu bạn muốn được người khác tin tưởng, bạn muốn nhận được sự hỗ trợ hay hợp tác với nhiều người thì bạn trước hết phải là người trung thực, thực sự trung thực. Chỉ khi đức tính này là bản chất bên trong con người bạn thì bạn mới được tự tin rằng bên bạn luôn có ai đó sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành. Tuy nhiên, trong cuộc sống không phải ai cũng làm được điều này. Phần lớn mối quan hệ tan vỡ là do không tin tưởng lẫn nhau. Và bạn thử nghĩ? Bạn có nhận được sự đề bạt từ cấp trên của bạn không nếu bạn không được họ tin tưởng?
9. Hay đối chiếu mình với người khác
Mỗi con người chúng ta khi sinh ra đã là một sự ban tặng. Chúng ta được ban quyền sống, quyền tự do, quyền được hạnh phúc. Và mỗi chúng ta là một giá trị khác nhau và duy nhất. Không ai giống ai. Do đó thật là ngu xuẩn nếu bạn luôn muốn mình phải giống một ai đó hay bạn là chiếc bóng của họ. Tại sao bạn không phải là bạn? Làm những gì bạn thích? Nỗ lực cống hiến bản thân cho xã hội bằng sự riêng biệt đó của bạn. Chỉ vậy thôi là bạn đã đáng được ngưỡng mộ rồi đó.
10. Quá coi trọng bản thân
Bản chất của con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội. Điều này phần nào đã nói lên rằng bạn nên đặt mình vào xã hội khi bạn giải quyết một vấn đề nào đó. Chỉ khi bạn dung hòa được hai yếu tố đó là cá nhân và xã hội bạn mới thực sự được đề cao trong xã hội. Lợi ích cá nhân phải được xem xét với lợi ích chung của xã hội và ngược lại. Đừng vì quá coi trọng bản thân mà đánh mất “con người” trong bạn. Bởi như vậy bạn khó mà tồn tại và phát triển được.