Hạnh đắng, Hạnh nhân đắng:
Hạt lấy ở quả chín phơi khô của cây Mơ (Prunus armeniaca L.), họ Hoa hồng (Rosaceae).
Mô tả:
Hạt hình tim dẹt, dài 1 – 1,9 cm, rộng 0,8 – 1,5 cm, dày 0,5 – 0,8 cm. Mặt ngoài màu nâu vàng đến màu nâu thẫm, một đầu hơi nhọn, một đầu tròn, 2 mặt bên không đối xứng. Ở đầu nhọn có rốn vạch ngắn nổi lên. Ở phía đầu tròn có một hợp điểm với nhiều vân màu nâu sẫm toả lên. Vỏ hạt mỏng, hạt có 2 lá mầm màu trắng kem, nhiều dầu béo. Không mùi, vị đắng.
Vi phẫu:
Vỏ hạt có những tế bào đá hình gần tròn tập hợp thành khối, thành tế bào dày, rõ rệt và đồng nhất, đường kính 60 – 90 mm. Nhìn phía trên, tế bào đá có hình tam giác tù, thành tế bào rất dày ở đỉnh.
Định tính:
A. Nghiền vài hạt dược liệu với nước, ngửi thấy mùi đặc biệt của benzaldehyd.
B. Lấy 0,1 g bột dược liệu cho vào một ống nghiệm, nhỏ vào mấy giọt nước, treo một băng giấy nhỏ có tẩm dung dịch trinitrophenol (TT) vào phía trên mặt dược liệu, nút kín ống nghiệm, ngâm ống trong cách thuỷ khoảng 10 phút, băng giấy thuốc thử sẽ chuyển sang màu đỏ gạch.
Giấy tẩm acid picric bão hoà: Thấm ướt giấy bằng dung dịch acid picric bão hoà (TT), để khô ngoài không khí. trước khi dùng thấm ướt bằng dung dịch natri carbonat 10%.
C. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4)
Bản mỏng: Silica gel G đã hoạt hoá ở 110 oC trong khoảng 1 giờ.
Dung môi khai triển: Cloroform – ethyl acetat – methanol – nước (15: 40: 22: 10), sau khi pha để ở 5 – 10 oC trong 12 giờ.
Dung dịch thử: Lấy 1 g bột dược liệu, thêm 50 ml ether (TT). Đun hồi lưu trên cách thuỷ 1 giờ, gạn dịch chiết ether, rửa phần bã bằng ether (TT). Lấy bã bay hơi hết ether, thêm 30 ml methanol (TT) vào bã, đun hồi lưu trên cách thuỷ 30 phút, để nguội, lọc, cô dịch lọc trên cách thuỷ còn 1 ml.
Dung dịch đối chiếu: Lấy 1 g Khổ hạnh nhân (mẫu chuẩn). Tiến hành chiết như dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 ml mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi triển khai xong, lấy bản mỏng ra phun ngay dung dịch acid phosphomolybdic trong acid sulfuric (lấy 2 g acid phosphomolybdic, thêm 20 ml nước để hoà tan rồi thêm từ từ 30 ml acid sulfuric và trộn kỹ). Sấy bản mỏng ở 105 oC khoảng 10 phút. Sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết có cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Độ ẩm:
Không quá 7% ( Phụ lục 9.6, 1g, 105 oC, 4 giờ.)
Không bị ôi
Nghiền vài hạt dược liệu với nước nóng, không được ngửi thấy mùi ôi của dầu.
Tạp chất:
Không được có tạp chất và lẫn những mảnh vụn của vỏ quả trong (Phụ lục12.11).
Định lượng:
Cân chính xác khoảng 15 g bột dược liệu thô, cho vào bình Kjeldahl, thêm 150 ml nước, nút kín ngay miệng bình, để yên trong 2 giờ. Tiến hành cất kéo hơi nước, hứng dịch nước cất được vào một bình hứng chứa 10 ml nước, 2 ml dung dịch amoniac 10% (TT) và được làm lạnh trong nước đá. Cất hết acid hydrocyanic {Lấy 2 ml dịch cất, kiềm hoá bằng dung dịch natri hydroxyd 40% (TT), cho thêm vài giọt dung dịch trinitrophenol (TT) (Dung dịch bão hoà trong nước), không xuất hiện màu đỏ là được}. Cho thêm chính xác 2 ml dung dịch kali iodid 16,5 % (TT) vào dịch đã cất, chuẩn độ bằng dung dịch bạc nitrat 0,1M (CĐ) cho đến khi tủa đục màu trắng vàng xuất hiện.
1 ml dung dịch bạc nitrat 0,1M (CĐ) tương đương với 91,48 mg amygdalin (C20H27NO11).
Dược liệu phải chứa ít nhất 3,0% amygdalin (C20H27NO11).
Chế biến Khổ hạnh nhân:
Quả thu hoạch vào mùa hạ, hái quả chín, loại bỏ phần thịt, đập vỡ vỏ hạch, tách lấy các hạt bên trong, phơi khô.
Bào chế:
Khổ hạnh nhân sống: loại bỏ tạp chất, giã nát khi dùng.
Đàn khổ hạnh nhân: Lấy khổ hạnh nhân sạch, xóc trong nước sôi đến khi vỏ lụa hơi nhăn bỏ ra chà sát, loại bỏ vỏ lụa, phơi hoặc sấy khô, khi dùng giã nát.
Khổ hạnh nhân sao:Lấy đàn khổ hạnh nhân, cho vào chảo, sao nhỏ lửa đến khi chuyển thành màu vàng. Giã nát khi dùng.
Bảo quản:
Nơi khô mát, tránh mốc mọt.
Tính vị, qui kinh:
Khổ, tân, ôn, ít độc. Qui vào các kinh phế, đại tràng.
Công năng, chủ trị Khổ hạnh nhân:
Chỉ khái bình suyễn, nhuận tràng thông tiện. Chủ trị: Ho suyễn do ngoại tà hoặc đờm ẩm, táo bón do huyết hư và thiếu tân dịch.
Cách dùng, liều lượng:
Ngày dùng 4,5 – 9 g, dạng thuốc sắc, phối ngũ trong các bài thuốc. Khi sắc các thuốc khác gần được mới cho khổ hạnh nhân vào.
Kiêng kỵ:
Hư nhược mà ho không phải do tà khí thì không dùng, không dùng quá liều, kéo dài tránh methemoglobin.