Rễ phơi hay sấy khô của cây Lức (Pluchea pteropoda Hemsl.), họ Cúc (Asteraceae).
Mô tả Rễ cây lức:
Rễ nguyên hay đã chặt thành đoạn, đường kính 0,5 – 2 cm, dài 1-3 cm (nếu còn nguyên có thể dài đến 20 cm). Vỏ ngoài màu nâu xám, có nhiều nếp nhăn dọc và có vết tích của rễ con hay đoạn rễ con còn sót lại. Mặt cắt ngang có màu trắng đến trắng ngà. Chất giòn, dễ bẻ gẫy.
Vi phẫu:
Lớp bần tương đối mỏng, tế bào xếp khá đều đặn. Mô mềm vỏ gồm tế bào hình nhiều cạnh, rải rác có nhiều chất tiết. Trụ bì hoá mô cứng nằm rải rác sát nội bì. Nội bì rõ. Libe I thường nằm tương ứng với đám mô cứng. Libe II khá liên tục nhưng không nhìn rõ được tế bào. Tầng phát sinh libe-gỗ khá liên tục. Gỗ II gồm mạch gỗ to và mô mềm gỗ chiếm tâm, có những tia ruột chạy qua vùng gỗ và loe rộng ra ở vùng libe.
Soi bột:
Bột có màu vàng nâu nhạt, mùi thơm, vị nhạt. Soi kính hiển vi thấy: Mảnh bần gồm các tế bào xếp đồng tâm và xuyên tâm khá đều đặn, đôi khi không đều. Mảnh mô mềm có chứa ống tiết (đôi khi còn chất tiết). Tế bào mô cứng có thành mỏng thường tập trung thành đám. Mảnh mạch điểm rất nhiều, mạch mạng.
Độ ẩm:
Không quá 12% (Phụ luc 9.6)
Tạp chất (Phụ lục 12.11):
Thân còn sót lại: không quá 2%
Tạp chất khác: không quá 1%
Chế biến:
Đào lấy rễ, bỏ rễ con, rửa sạch đất cát, phơi hoặc sấy khô
Bảo quản:
Để nơi khô, tránh mốc
Tính vị, quy kinh:
Khổ, vị hàn. Vào các kinh can, đởm
Công năng, chủ trị rễ cây lức:
Phát tán phong nhiệt, giải uất. Chủ trị: ngoại cảm phong nhiệt phát sốt, hơi rét, nhức đầu, khát nước, tức ngực, khó chịu.
Cách dùng, liều lượng:
Ngày dùng 8 – 20 g, dạng thuốc sắc hay hoàn tán. Thường phối hợp với các vị thuốc khác
Kiêng kỵ:
Hư hoả không nên dùng.