Rễ mạch môn

Rễ củ đã phơi hay sấy khô của Mạch môn đông (Ophiopogon japonicus (L.f.) Ker-Gawl.), họ Mạch môn đông (Convallariaceae).

Mô tả Rễ mạch môn

Rễ chùm thường phình to ở giữa hoặc gần chóp rễ thành dạng củ hình thoi, ở mỗi đầu còn vết tích của rễ con, dài 1,5 – 3,5 cm, đường kính 0,2 – 0,8 cm, để nguyên hay bổ đôi theo chiều dọc. Mặt cắt ngang có lớp vỏ mỏng màu nâu nhạt, phần ruột trắng ngà, có lõi nhỏ ở chính giữa. Mùi thơm nhẹ, vị hơi ngọt sau đó hơi đắng.

Mạch môn

Mạch môn

Vi phẫu Rễ mạch môn

Lớp bần mỏng cấu tạo bởi những tế bào có màng dày, có những chỗ bị rách bong ra. Hạ bì gồm vài lớp tế bào nhỏ màng hơi dày. Vùng mô mềm vỏ rộng gấp 3 – 4 lần vùng mô mềm tủy. Các tế bào mô mềm có màng mỏng; ở phần ngoài tế bào mô mềm có hình tròn hay nhiều cạnh, ở phần trong, tế bào kéo dài theo hướng xuyên tâm; rải rác có tinh thể calci oxalat hình kim đôi khi là hình cầu gai. Tế bào nội bì có màng dày ở phía trong và hai bên như hình chữ U. Trụ bì gồm 1 lớp tế bào có màng mỏng. Các bó gỗ cấp 1 thành dãy, mạch lớn phía trong và mạch nhỏ phía ngoài xếp xen kẽ với bó libe cấp 1. Vùng mô mềm ruột hẹp gồm các tế bào có màng mỏng, kích thước nhỏ hơn tế bào mô mềm vỏ, rải rác có tế bào chứa bó tinh thể calci oxalat hình kim thường nhỏ hơn các tế bào xung quanh.

Bột

Mảnh bần gồm những tế bào nhiều cạnh có màng dày. Mảnh mô mềm gồm tế bào có màng mỏng, hình tròn hoặc nhiều cạnh, có chứa tinh thể calci oxalat hình kim dài 40 – 70 µm, rộng 2 – 4 µm, đứng riêng rẽ hay xếp thành từng bó. Tế bào mô cứng hình chữ nhật có thành dày, khoang rộng, có ống trao đổi rõ, thường xếp thành từng đám, có nhiều tinh bột.

Định tính

A. Quan sát mặt cắt ngang của dược liệu dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 365 nm thấy có phát quang màu xanh nhạt sáng, mạnh nhất ở vùng lõi và giảm dần ở vùng vỏ.
B. Lấy 1 g bột dược liệu, thêm 15 ml ethanol 70% (TT), đun hồi lưu trên bếp cách thủy 15 phút, lọc. Lấy khoảng 1 ml dịch lọc pha loãng với nước cất thành 10 ml. Lắc mạnh 15 giây, có bọt bền.
C. Lấy 1 g bột dược liệu, thêm 15 ml nước, đun trong cách thủy 15 phút, lọc. Lấy 1 ml dịch lọc thêm 1 ml thuốc thử Fehling, đun sôi, có kết tủa đỏ gạch.

Chất chiết được trong dược liệu

Không được ít hơn 60% chất chiết được trong nước tính theo dược liệu khô kiệt.
Tiến hành theo phương pháp chiết nóng ghi trong chuyên luận xác định các chất chiết được trong dược liệu (Phụ lục 12.10). Dùng 1,0 g dược liệu, thêm 40 ml nước, chiết 3 lần, mỗi lần 30 phút, gộp các dịch chiết, cô trong cách thủy đến cắn.

Độ ẩm

Không quá 18% (Phụ lục 5.16).

Tro toàn phần

Không quá 5% (Phụ lục 7.6).

Tro không tan trong acid hydrocloric

Không quá 1% (Phụ lục 7.5).

Chế biến

Thu hoạch vào mùa hạ. Đào lấy rễ củ, rửa sạch, phơi nắng nhiều lần cho gần khô (khô khoảng 70 – 80%), loại bỏ rễ tua; Rễ củ nhỏ để nguyên, rễ củ to bổ đôi theo chiều dọc, phơi hay sấy nhẹ đến khô. Cũng có thể sau khi đào lấy củ, rửa sạch, đồ chín, phơi khô.

Bào chế

Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, đập dẹt, rút bỏ lõi, phơi khô.

Bảo quản

Để nơi khô mát, tránh mốc.

Tính vị, quy kinh

Cam, vi khổ, vi hàn. Vào các kinh tâm, phế, vị.

Công năng, chủ trị

Dưỡng vị, sinh tân, nhuận phế chỉ ho, thanh tâm trừ phiền, nhuận tràng thông tiện. Chủ trị: Phế ráo, ho khan; tân dịch thương tổn, khát nước; tâm bứt rứt mất ngủ, nội nhiệt tiêu khát; trường ráo táo bón.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 6 – 12 g. Dạng thuốc sắc.

Kiêng kỵ

Tỳ vị hư hàn, ăn uống chậm tiêu, ỉa chảy không nên dùng.