Vỏ rễ phơi khô của cây Mẫu đơn (Paeonia suffruticosa Andr. ), họ Mẫu đơn (Paeoniaceae)
Mô tả Vỏ rễ cây mẫu đơn
Mẫu đơn bì hình ống hoặc nửa hình ống, có khe nứt dọc, hai mép thường cuộn cong vào trong hoặc mở ra, dài 5 – 20 cm, đường kính 0,5 – 1,2 cm, dày 0,1 – 0,4 cm. Mặt ngoài màu nâu hay vàng nâu, có nhiều lỗ bì nằm ngang và vết sẹo rễ nhỏ, nơi tróc vỏ bần, có màu phấn hồng. Mặt trong của vỏ màu vàng tro hoặc nâu nhạt, có vằn dọc nhỏ, rõ, thường có nhiều tinh thể nhỏ sáng. Chất cứng giòn, dễ bẻ gẫy. Mặt gẫy gần phẳng, có tinh bột, màu phớt hồng. Vị hơi đắng và se. Mùi thơm đặc biệt.
Bột Vỏ rễ cây mẫu đơn
Màu nâu đỏ nhạt, hạt tinh bột rất nhiều, hạt đơn loại hình tròn hoặc hình đa giác, đường kính 3 – 16 mm, rốn có dạng điểm hoặc kẽ nứt hoặc hình chữ V, hạt kép có từ 2 – 6 hạt hợp thành. Những bó tinh thể calci oxalat có đường kính 9 – 45 mm, đôi khi các tế bào chứa các tinh thể này lại đứng liền nhau, xếp thành các cụm bó tinh thể, có khi 1 tế bào lại chứa nhiều bó calci oxalat . Tế bào bần hình chữ nhật, thành hơi dày màu đỏ nhạt.
Định tính
A. Lắc 0,15 g bột dược liệu với 25 ml ethanol (TT) trong vài phút rồi lọc. Pha loãng 1 ml dịch lọc với ethanol (TT) thành 25 ml dung dịch. Đo quang phổ hấp thu, dung dịch thu được phải có cực đại hấp thu ở bước sóng 274 ± 1 nm
B. Lắc 0,5 g bột dược liệu với 5 ml ether ethylic (TT) trong 10 phút, lọc; bốc hơi dịch lọc trên cách thủy đến khô, hòa cắn trong 3 ml ethanol (TT), cho thêm 1 giọt dung dịch sắt (III) clorid 5 % (TT), xuất hiện màu tía đỏ.
C. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4)
Bản mỏng: Silica gel G
Dung môi khai triển: Cyclohexan – ethyl acetat (3 : 1).
Dung dịch thử: Lấy 1 g bột dược liệu thêm 10 ml ether ethylic (TT), lắc kỹ, để yên 10 phút, lọc. Bốc hơi dịch lọc trên cách thủy đến khô, cho thêm 2 ml aceton (TT) để hòa tan cắn khô, làm dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Hoà tan paeonol trong aceton (TT) thành dung dịch có nồng độ 5 mg/ml. Nếu không có paeonol, lấy 1 g bột Mẫu đơn bì (mẫu chuẩn), chiết như mẫu thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 µl mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi triển khai, lấy tấm sắc ký ra, để khô trong không khí, rồi phun dung dịch sắt (III) clorid 5 % trong ethanol (TT). Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu sắc và giá trị Rf với vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Độ ẩm
Không quá 13 % (Phụ lục 12.13).
Tạp chất
Tỉ lệ gỗ lẫn: Không quá 5 %.
Tạp chất khác: Không quá 1 %.
Tro toàn phần
Không quá 5 % (Phụ lục 9.8).
Định lượng
Cân chính xác khoảng 0,2 g bột dược liệu cho vào trong bình cầu, cất kéo hơi nước cho đến khi dịch cất ra được khoảng 450 ml, thêm nước vừa đủ 500 ml, lắc đều. Đo quang phổ hấp thụ của dung dịch này ở bước sóng 274 nm. Tính hàm lượng paeonol trong dược liệu dựa vào A (1 %, 1 cm). Lấy 862 là giá trị A (1 %, 1 cm) của paeonol ở bước sóng 274 nm.
Dược liệu phải chứa paeonol (C9H10O3) không dưới 1,2 % tính theo dược liệu khô kiệt.
Chế biến
Thu hoạch vào mùa thu, đào lấy rễ, loại bỏ đất cát và rễ con, rửa sạch, bóc lấy vỏ mềm, thái lát, phơi khô.
Bảo quản
Nơi khô, mát.
Tính vị, qui kinh
Khô, tân, hơi hàn. Quy vào kinh tâm, can, thận, tâm bào.
Công năng, chủ trị
Thanh nhiệt lương huyết, hoạt huyết hoá ứ. Chủ trị: Phát ban, khái huyết, nục huyết, sốt hư lao, cốt chưng, vô kinh, bế kinh, nhọt độc sưng đau, sang chấn.
Cách dùng, liều lượng
Ngày 6 – 12 g, phối hợp trong các bài thuốc.
Kiêng kỵ
Không dùng cho người tỳ vị hư hàn, ỉa chảy, kinh nguyệt ra nhiều, phụ nữ có thai.